Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trọng thể kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng

Hà Phong| 28/10/2016 13:46

(HNMO) - Ngày 28-10, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.


Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý và lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện của TP Hà Nội tham dự buổi lễ.


Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng với lãnh đạo và nhân dân vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.


40 năm trước, vào tháng 2-1976, sau nhiều lần gặp gỡ, bàn bạc và khảo sát, cấp ủy Đảng và UBND hai địa phương Hà Nội - Lâm Đồng đã thống nhất chọn huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là địa bàn để xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội. Ngày 6-2-1976, 106 cán bộ của TP Hà Nội đã đặt chân lên vùng đất Nam Ban - Đức Trọng để khảo sát quy hoạch vùng quê mới. Sau đó, hàng nghìn lao động và thanh niên tiền trạm từ Thủ đô Hà Nội đã vào phát rừng, mở núi, biến đồi núi hoang hóa trở thành những vùng kinh tế mới đầy triển vọng. Thanh niên Thủ đô đã phối hợp với bộ đội, công an địa phương vừa tham gia giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đồng thời tích cực chuẩn bị điều kiện thuận lợi để đón nhân dân vào xây dựng vùng kinh tế, sớm ổn định cuộc sống trên quê hương mới. Lực lượng tiền trạm còn làm đường giao thông, khai hoang mở rộng diện tích trồng cây lương thực, cây công nghiệp, làm thủy lợi, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và đời sống cho vùng kinh tế mới... Những nỗ lực của lực lượng tiền trạm đã góp phần tạo ra cơ sở vật chất, điều kiện thuận lợi để tổ chức đưa đón hàng chục vạn đồng bào miền Bắc vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng của khu kinh tế mới Lâm Đồng.

Cùng với việc gây dựng cơ sở vật chất ban đầu ở khu xây dựng kinh tế mới, mở rộng diện tích đất khai hoang, công tác tổ chức, đưa đón nhân dân Thủ đô vào sinh cơ lập nghiệp trên quê hương mới được hai địa phương Hà Nội và Lâm Đồng phối hợp tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Đầu tiên là những hộ dân của huyện Từ Liêm (tháng 9-1976), tiếp đó là các quận, huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Sóc Sơn, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ... đã lên đường vào vùng kinh tế mới.

Lễ động thổ trường mẫu giáo Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng do TP Hà Nội đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 15 tỷ đồng


Ngày 28-10-1987, lễ ra mắt huyện Lâm Hà (ghép từ Lâm Đồng và Hà Nội) được tổ chức trọng thể, đánh dấu sự ra đời của huyện mới trên cao nguyên Lâm Đồng. Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, TP Hà Nội, tỉnh Lâm Đồng, sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện, gần 30 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Lâm Hà đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, không ngừng phát triển và đạt nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô luôn xác định huyện Lâm Hà là một bộ phận không thể tách rời nên luôn dành cho “một phần của Hà Nội trên cao nguyên Lâm Đồng” những tình cảm sâu đậm.

Trong 40 năm qua, nhiều công trình quan trọng, thiết thực được đầu tư xây dựng như: Trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao, đường giao thông... từng bước tạo nên diện mạo khang trang cho vùng kinh tế mới, thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó, trách nhiệm của Hà Nội dành cho những người con đi lập nghiệp nơi xa. Chỉ tính riêng trong 10 năm từ 2004 đến 2015, thành phố Hà Nội và các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố đã hỗ trợ hơn 258 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo các công trình phục vụ dân sinh, đầu tư máy móc, thiết bị… cho huyện Lâm Hà. Với đóng góp sức người, sức của của Hà Nội và nỗ lực của địa phương, đến nay, Lâm Hà đã trở thành vùng kinh tế trù phú, giàu tiềm năng và ngày càng phát triển toàn diện, vững chắc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và an ninh - quốc phòng. Vùng kinh tế mới Hà Nội năm xưa, hôm nay đã thực sự là vùng đất lành, đón thêm nhân dân từ mọi miền Tổ quốc đến sinh sống và lập nghiệp.

Phó Bí Thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, thành tựu của mô hình xây dựng vùng kinh tế mới - Lâm Hà là kết quả của quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội; sự phối hợp hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm liền, đặc biệt là tình cảm tương thân, tương ái, sự chia sẻ ân tình, sự giúp đỡ vô cùng quý báu của đồng bào các dân tộc Lâm Đồng đã tạo mọi điều kiện cho nhân dân Thủ đô trên quê hương mới. Sự phát triển của vùng kinh tế mới là tiền đề cho việc thành lập huyện Lâm Hà ngày nay.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng trân trọng cảm ơn các thế hệ cán bộ, nhân dân các địa phương của Thủ đô đã nhiệt tình hưởng ứng và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.

Nhân dịp này, 4 cá nhân, 3 tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển vùng kinh tế mới của Hà Nội tại Lâm Đồng đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.


Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng thăm gia đình thương bệnh binh làm kinh tế giỏi tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.


* Cùng ngày, Đoàn đại biểu TP Hà Nội đã thăm 2 gia đình thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi ở huyện Lâm Hà; dự lễ động thổ công trình trường Mẫu giáo Nam Hà. Công trình trường mẫu giáo Nam Hà có tổng mức đầu tư 18,5 tỷ đồng. Trong đó, hai quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng, vốn đối ứng của huyện Lâm Hà trên 3 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ chính thức khởi công vào đầu tháng 12-2016 và khánh thành tháng 10-2017. Chủ tịch UBND xã Nam Hà Tiêu Văn Bách khẳng định, dự án sau khi hoàn thành sẽ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giáo dục, tạo nên diện mạo khang trang cho vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Công trình là biểu hiện sinh động cho tình cảm yêu thương, gắn bó, trách nhiệm của Hà Nội dành cho những người con đi lập nghiệp nơi xa; đồng thời tạo tiền đề để xã Nam Hà hoàn thành tiêu chí về giáo dục, tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới. Đồng chí Tiêu Văn Bách mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tình cảm, sự giúp đỡ, tạo điều kiện về mọi mặt của các đồng chí lãnh đạo và nhân dân Hà Nội để góp phần xây dựng huyện Lâm Hà ngày càng giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọng thể kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.