(HNM) - Chủ trì họp giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết với 30 quận, huyện, thị xã diễn ra chiều 26-9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của thành phố nhấn mạnh, những tuần qua số ca mắc mới đã giảm, tuy nhiên, số giảm vẫn chưa tương xứng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Do vậy, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp, phấn đấu trong tháng 10 giải quyết cơ bản dịch bệnh sốt xuất huyết.
Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phun thuốc diệt muỗi tại khu dân cư thuộc quận Đống Đa. Ảnh: Ngọc Thắng |
Tập trung xử lý ổ dịch đang hoạt động
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 18 đến 24-9, toàn thành phố ghi nhận 1.604 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 352 ca so với tuần trước đó. Dù số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong 6 tuần gần đây, song số mắc trung bình/ngày vẫn ở mức cao (230 trường hợp/ngày), tương đương thời điểm cuối tháng 7. Mặt khác, 21/30 quận, huyện có số ca mắc giảm nhưng 5/30 quận, huyện (Đông Anh, Mỹ Đức, Gia Lâm, Phúc Thọ, Hai Bà Trưng) lại có số mắc tăng.
Là địa bàn ghi nhận số mắc mới sốt xuất huyết tăng cao nhất tuần qua, đại diện UBND huyện Đông Anh lý giải, một trong những nguyên nhân là khoảng 30% công trình xây dựng trên địa bàn phát hiện còn ổ bọ gậy. Còn tại quận Hoàng Mai, đơn vị dẫn đầu về số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, tỷ lệ phun hóa chất chỉ đạt 86,8%, thậm chí ở phường Định Công tỷ lệ phun mới đạt 60% (20% hộ gia đình không đồng ý phun, 20% hộ gia đình đi vắng)… Có nơi dù xuất hiện ổ dịch, song chính quyền địa phương lại không tiến hành phun hóa chất. Đơn cử tại xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), khi Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đi kiểm tra đột xuất, có ổ dịch 2 người mắc bệnh (hiện đã khỏi), nhưng gia đình vẫn chưa được phun hóa chất.
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay thuận lợi cho muỗi phát triển, cộng với việc học sinh, sinh viên bước vào năm học mới, nên rất có thể xuất hiện đỉnh dịch thứ 2 vào tháng 10 và tháng 11 tới, nếu không duy trì triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch như thời gian qua.
Kiểm điểm những địa phương có tỷ lệ phun thuốc diệt muỗi thấp
Đoàn viên thanh niên phối hợp cán bộ của Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng kiểm tra các nơi bọ gậy có thể sinh sôi. |
TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, ở những nơi có số ca mắc vẫn tăng cao, hằng tuần cần phải kiểm tra, đánh giá lại công tác phòng, chống dịch ở từng khâu, từ diệt bọ gậy, pha thuốc, kỹ thuật phun, giám sát người bệnh cho đến công tác kiểm tra, giám sát; đánh giá lại sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, học sinh, sinh viên… Bởi lẽ, có nơi khi báo cáo thì tốt, nhưng kiểm tra thực tế, số ổ bọ gậy còn cao, việc phun thuốc diệt muỗi không đúng kỹ thuật, không phát huy tác dụng.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá, trong tuần qua, nhiều quận, huyện có số ca mắc mới và số ổ dịch giảm (hiện còn 384 ổ dịch), song toàn thành phố vẫn ghi nhận 230 ca/ngày và 7 quận, huyện vẫn có khoảng 100 ca mắc mới trong tuần. Qua kiểm tra, số hộ gia đình còn ổ bọ gậy và tỷ lệ phun thuốc diệt muỗi chưa triệt để vẫn rất cao. Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các xã có tỷ lệ phun thấp phải kiểm điểm, báo cáo cụ thể lý do và biện pháp, hướng xử lý trong thời gian tới; các quận, huyện tiến hành kiểm tra công tác diệt bọ gậy tại các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn.
Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu tập trung vào 6 biện pháp, trong đó quan trọng nhất là phải diệt bọ gậy và phun thuốc triệt để; tăng cường công tác kiểm tra từ thành phố đến xã, phường, thị trấn với phương châm kiểm tra cụ thể, kết luận rõ ràng, từ đó rút ra kinh nghiệm đối với từng đơn vị, phấn đấu trong tháng 10 tới giải quyết cơ bản dịch sốt xuất huyết.
* Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra do Phó Giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn trực tiếp giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện, thị xã. Trung bình mỗi tuần, các đoàn kiểm tra sẽ đi 15 xã, phường, thị trấn để có những đánh giá chi tiết hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. * Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 30.344 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó 7 trường hợp đã tử vong. Số bệnh nhân khỏi bệnh là 29.055 (chiếm 95,7%); hiện còn 1.289 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.