Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trong nhịp đập trái tim văn hiến (tiếp)

Tùy bút của Hồ Quang Lợi| 04/05/2012 06:09

(HNM) - Thăng Long tập đại thành - lớp lớp những con người ưu tú hội tụ, kết tinh, lan tỏa từ đây bằng thuộc tính Thăng Long. Chất sĩ phu Bắc Hà tài hoa, hào hoa, kiêu bạc là mẫu chuẩn của trí thức nước nhà.


Tiếng leng keng tàu điện đã hợp thanh trong muôn giai điệu tâm hồn, khi thành được đưa vào ca khúc Nhớ về Hà Nội - một tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Hiệp - nhạc sĩ miền Nam tập kết.

Mặt nước hồ Tây còn lay động trong những nốt tình Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ tài hoa người Huế đã xiêu lòng ngay lần đầu đến Thủ đô để viết Nhớ mùa Thu Hà Nội.

Vẻ đẹp Tây Hồ đã và đang quyến rũ khách đến Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm


Hà Nội ơi, những phố cổ chật chội quá tải mà nên thơ trong tranh Bùi Xuân Phái (1920-1988), Phố Phái, những mùa hoa lại gọi Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam (1910 - 1942), cuốn tùy bút tràn tỏa chất thơ thánh khiết của một văn tài hiếm có, chàng trai Hà Nội Nguyễn Tường Lân. Hà Nội của Thạch Lam những năm 30, 40 thế kỷ trước thở động kỳ bút Nguyễn Tuân. Bậc thầy gọi những con chữ nảy nở cái đẹp cất từ đời thường mà thanh quý, quyến rũ từ những giai âm, giai nhân kiều nữ, cảnh sắc, hoa trái, thức quà. Phở Hà Nội được nâng thành nghệ thuật qua tùy bút Nguyễn Tuân, tác phẩm được dịch ra tiếng Pháp, nhờ thế, ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam được vào từ điển Pháp.

Hà Nội của Nguyễn Tuân (1910 - 1987) sang trọng, phong tình, lấp lánh thanh tân, bặt thiệp làm sao! Mỗi con phố, mỗi con người lọt vào mắt nhà văn, cũng kiêu hùng trong chiến đấu - tác phẩm “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” ghi lại những ngày Hà Nội bom đạn 1972 với bao nhiêu tinh tế diễn đạt bằng kỳ tài phong nhiêu. Còn Tô Hoài, sinh trưởng từ làng Nghĩa Đô, lại ghi lịch sử của phố phường thị dân Hà Nội từ trước cách mạng cho tới sau này bằng những trang văn sinh động như chụp ảnh bằng chữ.

Hà Nội của những thức quà, cảnh vật bốn mùa khiến Vũ Bằng (1913 - 1984), vì hoạt động cách mạng phải rời xa vợ con, bạn bè nơi đất mẹ vào sống Sài Gòn, đau khổ suốt nửa cuộc đời nơi đất khách, lúc nào cũng đau đáu HN chờ mong mơ ước. Thương nhớ mười hai (viết từ 1960 - 1971), Miếng ngon Hà Nội (viết từ 1952 ở HN, kết thúc 1959 ở SG) là của người “thiên lý tương tư”.

Sông Hồng, sông Đuống, liệt kê nữa sao những sông hồ của TP cây hồ mở rộng gần 4 năm nay, giờ có thêm sông Đáy, sông Đà, sông Nhuệ, có núi Sóc, Thánh Gióng đánh giặc Ân xong cưỡi ngựa sắt về trời không màng danh lợi. HN có thêm núi Ba Vì của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939) - người yêu quê núi Tản sông Đà mà đặt bút danh; có Quang Dũng (1921-1988) - thi sĩ tài hoa của Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây như vẫn “Lên núi Sài Sơn ngóng lúa vàng”.

Những tác phẩm đặc sắc của TL-HN cũng là vốn quý của nền VHNT Việt Nam. Những gì của “tập đại thành” như đang truyền sức mạnh tiềm sinh cho thời đại mới. Văn hóa Thăng Long - văn vật xứ Đoài hợp lưu sau sáp nhập 1-8-2008 đưa lại những tựu thành và thách thức. Hiện thực văn hóa Hà Nội hôm nay là một không gian nhiều di sản, lại có các giá trị bị biến tướng, mai một, hao hụt, tàn phá do ý thức kém, do thiếu hụt nhận thức, khô cằn tâm hồn và cả bệnh “vô cảm” có xu thế lây lan. Giữa bộn bề quay cuồng mưu sinh và áp lực của thế giới nhiều biến động, những đòi hỏi vật chất và tham vọng kim tiền làm người ta bị lấn át, thậm chí lãng quên di dưỡng văn hóa. Lo đối phó lạm phát giá cả xem ra “thiết thực” như thúc bách áo cơm, chứ dường như ít ai lo lạm phát, tha hóa tâm hồn. Biến động thời cuộc gây ra các biến tướng văn hóa và mỹ danh “người Hà Nội/văn hóa Hà Nội” đang có những “dị bản”, gây tê tái, ngượng ngùng, nhức nhối những người biết yêu HN.

3. Những nhân sĩ, trí thức, tài danh tiêu biểu tập trung sống và làm việc ở Thủ đô, cho Hà Nội sở hữu một tài sản lớn: nguồn nhân lực trí tuệ. Khí quyển văn hóa nghệ thuật Hà Nội truyền tiếp nhiều đời đang cần thế hệ đương đại gìn giữ, sáng tạo tiếp nối. Tình yêu phải thể hiện bằng trách nhiệm. Lớp trí thức, nghệ sĩ, thanh niên là những người sung sức - lực lượng của tương lai khoa học, văn hóa nghệ thuật Thủ đô. Không chỉ chê trách, đứng ngoài, vô trách nhiệm hay tiếc nuối hào quang quá khứ, mà phải chung sức lao động, đóng góp. Những người thành danh sẽ truyền thụ, dìu dắt lớp kế tiếp. Sự cộng cảm những tài năng sẽ tạo thành sức mạnh của lớp sĩ phu Bắc Hà thế kỷ 21, xây dựng TL-HN trong vận hội mới.

Hà Nội còn giữ gìn thư tịch, bản đồ cổ, vật chứng quý báu, những sắc phong của các triều đại. Sắc phong thời hiện đại mà thế giới dành cho Hà Nội là “TP vì hòa bình”. Hà Nội ngày nay còn cần giữ gìn vai trò thế mạnh Thủ đô đầy sinh lực, đang phát triển, một TP văn hiến lớn nhất Việt Nam. TP thân yêu của chúng ta đang phát triển với lịch sử, văn hóa được tác tạo tiếp bằng sức vươn mới, hội nhập kết nối, đón nhận, du nhập những giá trị quốc tế một cách hiểu biết, thẩm lọc, làm giàu hơn vốn văn hóa của mình.

Hà Nội có GS AHLĐ Vũ Khiêu, công dân ưu tú Thủ đô 2010, tuổi 96 vẫn làm việc 10 giờ/ngày, viết - chủ biên những bộ sách quý, một bộ não uyên bác hiếm có, thực sự là “quốc bảo”. GS NGND Phan Huy Lê (quê Hà Tĩnh), Viện sĩ Viện Hàn lâm văn khắc - mỹ văn (Académie des Inscriptions et Belles - Lettres) Cộng hòa Pháp từ 2011, đã nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp 2002. Hà Nội có GS Ngô Bảo Châu, có tên trong danh sách của Viện Hàn lâm KHNT Hoa Kỳ 2012 và rất nhiều trí thức, nghệ sĩ nhà hoạt động văn hóa của Hà Nội là “tài sản quốc gia” được thế giới ca ngợi, nức tiếng “địa linh nhân kiệt”. Những con người ưu tú ấy đã khuếch tán danh thơm, hình ảnh, trí tuệ con người TL - HN ra bốn phương.

4. Công cuộc xây dựng Thủ đô theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa vẫn giữ danh hiệu “TP xanh”, chia các giai đoạn phát triển theo từng chặng là  tư duy quy hoạch có tầm nhìn khoa học. Nhưng trục phát triển ấy không chỉ là mở mang kiến thiết hạ tầng, mà còn kiến trúc thượng tầng tinh thần. “Động mạch chủ” của văn hóa TL là hội tụ và lan tỏa tinh hoa. Hà Nội cần tạo nên những hiển thị nhân văn bền vững như một khát vọng, động lực chiến lược - luôn là lõi vàng của văn hiến VN.

Tiền nhân, lịch sử đã để lại cho chúng ta những công trình, tác phẩm quý báu. Vậy chúng ta để lại gì cho thế hệ kế tiếp mình? Những dự án, tác phẩm dồn dập khánh thành, công bố dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, rồi lại lắng. Chúng ta không chỉ mãi dẫn chứng một niềm tự hào kiến trúc là Nhà hát Lớn từ 1911 (xây 10 năm, do người Pháp kiến trúc theo mô hình Nhà hát Opéra Paris). Hà Nội đã có thêm thư viện, Cung thể thao, Cung tri thức, Bảo tàng và sắp tới sẽ có Nhà hát Thăng Long hiện đại nhất Đông Nam Á, nhưng vẫn chưa có công trình kiến trúc nào xứng với kỳ vọng của những người tâm huyết với Thủ đô, mang dấu ấn lịch sử của thời đại chúng ta đang sống?!?

Sự hẫng hụt này cần được coi như hối thúc, cũng là động lực, trách nhiệm của chúng ta. Tầm vóc văn hóa Hà Nội không chỉ gây dựng bằng những việc lớn, các công trình quy mô tầm cỡ, những người nổi tiếng. Vẻ đẹp Hà Nội được kết  dệt từ tình yêu âm thầm của những công dân không bao giờ vứt rác ra đường, đi đổ rác còn nhặt rác để cùng đổ một thể vào xe. Là của công nhân vệ sinh môi trường, quét sạch từng ngõ, phố, những chị công nhân trồng cỏ, trồng hoa, chăm chút mỗi ngày. Của lão nghệ sĩ nhiếp ảnh quá suốt tuổi 80, Nguyễn Quang Phùng, từ xóm Hạ Hồi, ngày ngày vẫn cầm máy ảnh chụp mọi góc Hồ Gươm, phố cổ nhằm chắt chiu lưu giữ những nét đẹp, nếp xưa thi thoảng hiện ra trong khoảnh khắc.

Những giá trị của văn hóa TL-HN đang và sẽ được tác tạo từ cuộc sống sinh động và tình yêu thường hằng của mỗi người dân Hà Nội.

Ngàn năm đang soi gương hồ. Khí thiêng chốn rồng bay tới những khát vọng từ mỗi hạt nhỏ phù sa của tinh thần văn hiến, kết nối mỗi trái tim trong trái tim Hà Nội. Long lanh gương hồ gợi tôi nhớ bức tranh sơn mài lớn của danh họa bậc thầy Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993, được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV, 19-5-2012) Bóng nước hồ Gươm. Bức tranh hiện ra trên vòm trời linh hồ và những câu thơ của thi sĩ Lê Đại Thanh (1907-1996), bạn học Trường Bưởi của danh họa tả kiệt tác này như lao xao theo làn liễu mướt xanh: “Cụm nữ sinh Hà Nội / Sát vai ngắm tháp Rùa / Hồ Gươm cây Tháp Bút / Đá viết một trường ca / Sơn mài Anh sống mãi / Thời gian đi liên tục / Như người gieo hạt hoa”.

Tình yêu Hà Nội không chỉ làm nở hoa thiên nhiên và nghệ thuật mà còn vẽ lên mùa mùa lộng lẫy của cuộc sống này. Những trang sử gấm hoa của lịch sử Việt Nam sẽ được viết tiếp bằng tinh thần phù sa và sức bật văn hiến. Văn hóa là dòng sông, còn lịch sử là sự tiếp nối. Văn hóa TL-HN không ngừng sinh tụ tiếp biến, chưng chất linh hồn văn hiến VN.

Yêu Hà Nội, đắp bồi văn hóa, vẻ đẹp cho TP này, chính là mỗi chúng ta tự tặng thêm cho mình một cuộc đời nữa, khi chúng ta may mắn được sống nơi đây, khi con tim được đập nhịp yêu thương cùng Hà Nội.

27-4-2012

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong nhịp đập trái tim văn hiến (tiếp)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.