(HNMO) – Theo Hiệp hội Cảng biển VN, nước ta đã bước đầu có cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép, Thị Vải cạnh tranh được với các cảng trong khu vực, có thể tiếp nhận được tàu container loại lớn, vận chuyển hàng trực tiếp giữa VN và thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu. Tuy nhiên, năng lực của các cảng còn lại rất hạn chế so với chuẩn khu vực.
Bên cạnh đó các cảng nước sâu chính vẫn do các liên doanh nước ngoài quản hành điều hành, năng lực cảng biển để làm các loại hàng khác, đặc biệt là hàng rời, còn kém khoảng 2-3 lần các cảng quốc tế về cỡ tàu và năng suất làm hàng.
Hơn nữa, hạn tầng kết nối cảng vẫn là khâu tồn tại và yếu kém của hệ thống cảng biển và dịch vụ logistis, làm tăng giá thành xuất nhập khẩu và hạn chế tiềm năng phát triển toàn ngành.
Chất lượng dịch vụ nói chung tại cảng có nhiều cải tiến trong thời gian qua nhưng vẫn còn loại dịch vụ cần cải tiến thêm, đặc biệt là thời gian và công sức mà chủ hàng và người đại diện giao nhận hàng phải bỏ ra để giải quyết thủ tục. Trong khi các cảng quốc tế đã áp dụng dịch vụ một cổng xử lý thông tin đầu mối giải quyết mọi thủ tục qua hệ thống mạng, thì ở VN tình trạng khách hàng bị buộc phải tiếp xúc với Hải quan bên trong hoặc bên ngoài cảng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để giải quyết thủ tục vẫn còn phổ biến.
Đáng chú ý, theo Hiệp hội Cảng biển VN, vấn đề pháp lý nổi cộm nhất của ngành vẫn là việc vẫn chưa hình thành được cơ chế đổi mới quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển VN. Nhiều khác biệt và bất cập cơ bản đã được nhận biết giữa cơ chế chính quyền cảng theo đúng nghĩa cho từng khu vực kinh tế trọng điểm kết hợp với cơ chế khuyến khích hợp tác công tư để phát triển hệ thống cảng biển lên tầm cao của chiến lược kinh tế biển quốc gia…, với một cơ chế theo hướng giao cho cảng vụ đảm nhận luôn chức năng nhiệm vụ của chính quyền cảng cho từng địa phương riêng lẻ. Tuy nhiên, để đi đến một cơ chế có hiệu quả cao nhất để phát triển nhanh hệ thống cảng biển quốc gia phải cần giải quyết nhiều khó khăn mang tính nội tại, thể chế liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương và trung ương…
Để hạn chế những bất cập trên, Cục Hàng hải VN cho biết, trong năm 2011 sẽ tiếp tục thực hiện các công trình xây dựng mới hoặc nâng cấp thuộc dự án phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải do Nhà nước hoặc doanh nghiệp đầu tư đã được phê duyệt nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng và tránh lãng phí, thất thoát: đặc biệt là các dự án luồng hàng hải (Trà vinh, Quy Nhơn, Cửa Việt, Dung Quất, Thị Vải – Cái Mép, Soài Rạp…) vác các bến cảng (Ba Ngòi, Thị Vải – cái Mép, Hiệp Phước, Dung Quất, Vân Phong…) các các cơ sở đóng mới – sửa chữa tàu biển, các trung tâm phân phối hàng sau cảng… Bên cạnh đó, ngành hàng hải còn xúc tiển việc chuẩn bị triển khai một số dự án thuộc kết cấu hạ tầng hàng hải do Nhà nước hoặc doanh nghiệp đầu tư, trong đó có các cảng trọng điểm (Lạch Huyện, Văn Phong, Thị Vải – Cái Mép, Hiệp Phước…); chú trọng đầu tư các dự án phát triển và hiện đại hóa một số công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin điện tử viễn thông và báo hiệu hàng hải.
Mặt khác, dự kiến năm 2011, ngành hàng hải sẽ chú trọng phát triển tàu container, tàu dầu và các tàu chuyên dụng, hiện đại khác để tổng trọng tải đội tàu biển VN tăng từ 5- 7% so với năm 2010; tổng sản lượng vận tải của đội tàu biển VN phấn đấu tăng 6-8% (khoảng 96 triệu tấn), tổng sản lượng vận tải trong nước tăng 3-5% và vận tải quốc tế tăng 17 – 19% so với năm 2010; Hạn chế việc tàu biển nước ngoài vận chuyển hàng hóa trên các tuyến trong nước nhằm bảo vệ quyền vận tải nội địa cho đội tàu biển VN đã được pháp luật hàng hải quy định.
Tiếp theo đó, về khai thác cảng biển, ngành hàng hải sẽ chú trọng tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng 5-8% số lượt tàu biển vào các cảng VN so với năm 2010; Tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển phấn đấu tăng 9-11% so với năm 2010 (khoảng trên 280 triệu tấn), trong đó hàng container dự kiến tăng 18-20% (khoảng trên 7,5 triệu TEUs), hàng lỏng dự kiến tăng trên 15% (khoảng gần 60 triệu tấn), hàng khô dự kiến tăng gần 5% (khoảng trên 110 triệu tấn), hàng quá cảnh dự kiến tăng trên 25%...
Ngoài ra, Cục Hàng hải VN hiện đang kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 62/2006/NĐ-CP ngày 21/6/2006 về Xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, Nghị định thay thế Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 23/7/2006 về Quản lý cảng biển và luồng hàng hải và Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 173/2007/NĐ-CP về Tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải; Chấp thuận triển khai việc chuẩn bị để tổ chức thực hiện trong các năm tới một số chương trình, đề án, dự án nêu tại Quy hoạch tổng thế phát triển giao thông đường biển VN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để sớm triển khai thực hiện “Dự án hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin quản lý cảng biển VN”…
Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, để nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng biển VN, của đội tàu biển VN… ngành hàng hải cần rất nhiều đổi mới, phát triển để hoàn thành chiến lược kinh tế biển và để không bị tụt quá xa so với các nước trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.