Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trồng cây dưới đường sắt trên cao: Không lo vì cây thân nhỏ, được khống chế

HT| 02/10/2016 08:04

(HNMO) - Mấy hôm nay, dư luận xôn xao việc trên phố Yên Lãng, Hoàng Cầu (quận Đống Đa - Hà Nội), ngay dưới gầm công trình đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông có hàng trăm cây xanh được trồng mới.



Nhiều người dân lo ngại những cây này khi trưởng thành sẽ ảnh hưởng đến công trình đường sắt.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Kiên Trung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết việc triển khai trồng cây xanh dưới gầm đường sắt trên cao tại phố Yên Lãng, Hoàng Cầu là chủ trương của UBND TP Hà Nội và đã được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt.

Ông Trung cho biết, ở các nước như: Nhật, Trung Quốc, Singapore và những thủ đô phát triển trên thế giới thì câu chuyện trồng cây ở gầm đường sắt trên cao, gầm cầu vượt là câu chuyện bình thường. “Những nơi ấy bằng kỹ thuật, họ phủ xanh hết cả đường sắt, cầu vượt… tạo ra hàng cây rất đẹp. Ở các nước tiên tiến họ làm được thì mình cũng làm được. Công ty cũng có xe chuyên dụng để khống chế chiều cao liên tục”.

Cũng theo ông Vũ Kiên Trung, đây là chủ trương của TP và đơn vị chỉ thực hiện. Loại cây trồng ở tuyến trên là cây chiêu liêu, việc trồng cây như trên đã được nghiên cứu. "Chúng tôi sẽ chăm sóc những cây này cẩn thận, đồng thời khống chế chiều cao, do đó sẽ không lo ảnh hưởng đến công trình đường sắt trên cao”, ông Trung nói.

Cây chiêu liêu là một loại cây thân gỗ trung bình. Cây có tán rộng có thể trồng trong khuôn viên ngoại thất hay trong các khu đô thị, vỉa hè đường phố.
Tán cây phân nhiều tầng giống cây bàng hay cây hoa sữa. Cây thường mọc hoang và được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam nước ta.
Cây chiêu liêu có là mọc đối, cuống ngắn. Hoa thường mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá. Lá dài khoảng 10-20 cm và rộng khoảng 5-10 cm tùy vào độ phì nhiêu của đất và lượng ánh sáng mà cây hấp thụ được.
Hoa của cây chiêu liêu mọc dạng bông nhiều hoa nhỏ giống như chùm hoa sữa. Quả hình trứng, 2 đầu nhọn có 5 cạnh dọc. Đường kính 2,5-3 cm; dài 3-5 cm. Vỏ màu nâu nhạt. Hạch (hột) cứng chắc, thịt dày (khi khô chỉ còn 2 – 4mm), vị chua chát, có một hạt cứng.
Ngoài chức năng làm đẹp đường phố, cây chiêu liêu còn là một vị thuốc quý.

Nguồn: Caydothi.vn


Đồng quan điểm, chuyên gia sinh học nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cho biết cây chiêu liêu còn được gọi là cây bàng Đài Loan.

Đây là loại cây tán đẹp, lá nhỏ và có thể hoàn toàn khống chế được chiều cao. Loại cây này thường được trồng nhiều ở phía nam và phù hợp với khí hậu Hà Nội. Cây này mới đây được đưa vào trồng ở các đô thị.

Được biết, những cây trồng trên phố Yên Lãng, Hoàng Cầu là cây bàng lá nhỏ của Đài Loan. Theo lãnh đạo Cty Cây xanh, đặc tính của loại cây này là thân nhỏ, phát triển tán rộng, nếu có xảy ra gãy đổ cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường sắt trên cao.




Theo tìm hiểu, tại Hàn Quốc việc trồng cây dưới gầm đường sắt trên cao được cho là khá phổ biến. Việc trồng cây như thế đã góp phần làm xanh thành phố.

Đây là hình ảnh cây trồng dưới gầm đường tàu trên cao ở Hàn Quốc. Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Phát biểu tại cuộc họp giao ban quý III của UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các sở ngành, quận huyện sáng 1/10, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, Hà Nội đã trồng được 6 nghìn cây trên 30 tuyến phố.

Theo ông Dục, về mặt chỉnh trang cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, Sở đã tham mưu cho thành phố phương thức cũng như kế hoạch và bây giờ đang triển khai. Ông Dục đề nghị các quận, huyện trong quá trình làm có vấn đề nào còn bất cập thì trao đổi trực tiếp với Sở.

“Cho đến thời điểm này đã cắt tỉa được 31 nghìn cây trên 32 tuyến phố, trồng được 6 nghìn cây trên 30 tuyến phố. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai theo kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh và các vấn đề tiếp theo”, ông Dục nói.

Trước đó, chiều 30/9, trả lời thắc mắc của cử tri về việc duy trì việc chăm sóc, cắt tỉa cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ trên địa bàn Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trong thời gian qua Hà Nội đã và đang làm nhưng còn làm chậm.

“Mục tiêu của chúng ta là phải bảo đảm thành phố xanh, sạch, đẹp đã đành, nhưng phải ít tiền. Mình cứ hay phải là nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Hiện tại đang đấu thầu, lựa chọn nhà thầu bảo đảm công nghệ, bảo đảm tiết kiệm chi phí”, ông Hải nói.

Dưới đây là một số hình ảnh về việc trồng cây dưới đường sắt trên cao phổ biến ở các nước:

Cây xanh dưới đường sắt trên cao ở Malaysia

Ở Nhật Bản

Hàng cây dưới đường sắt trên cao ở Singapore

Nhiều loại cây được trồng đan xen

Thailand cũng có nhiều đường sắt trên cao như vậy


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng cây dưới đường sắt trên cao: Không lo vì cây thân nhỏ, được khống chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.