Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trọn vẹn tình yêu với Hà Nội

Minh Ngọc| 28/09/2010 06:48

(HNM) - Mừng Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi, nhiều tổ chức, cá nhân đã dâng tặng Thủ đô những món quà thật ý nghĩa. Đó là những tác phẩm đạt kỷ lục Việt Nam như công trình thủ công tinh hoa


102 chiếc trống đồng do các nghệ nhân đúc đồng Đông Sơn (Thanh Hóa) thực hiện dâng tặng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Dương Thủy

Bức tranh từ 1000 ngày của trẻ khuyết tật

Ngoài công trường, hàng vạn công nhân hối hả làm việc để kịp hoàn thành các công trình đón Đại lễ; trên đường phố, các anh, chị lao công lặng lẽ, cần mẫn làm sạch đẹp cảnh quan, môi trường, còn tại Trung tâm dạy nghề trẻ khuyết tật Quỳnh Hoa, xã Hữu Hòa, Thanh Trì (Hà Nội), các cháu khuyết tật miệt mài cắt từng mảnh giấy làm bức tranh giấy nghệ thuật có hình ảnh hai rồng thời Lý chầu vào biểu tượng Hà Nội với kích thước 6 mét x 1 mét để dành tặng Thủ đô yêu dấu. Chị Đoàn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Quỳnh Hoa cho biết: Làm tranh giấy nghệ thuật vốn là công việc thường ngày của các cháu ở Trung tâm. Công việc này đã nuôi sống các cháu, giúp các cháu tự tin, yêu đời và hòa nhập được với cộng đồng. Trước sự kiện Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, cả cô và trò Trung tâm đều mong muốn làm được một việc gì đó thật ý nghĩa nói lên tấm lòng của những người con dân Thủ đô. Mong muốn ấy đã trở thành ý tưởng khi được biết Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp nhận "Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội". Bức tranh đã được hơn 30 trẻ khuyết tật của Trung tâm miệt mài thực hiện trong một tháng ròng. Tham gia làm bức tranh từ công đoạn đầu đến cuối, cháu Nguyễn Thị Yến bộc bạch: "Làm tranh phải ngồi nhiều, trong khi cháu bị teo chân, việc ngồi lâu gặp không ít khó khăn, nhưng với suy nghĩ bức tranh sẽ được thành phố Hà Nội đón nhận, sẽ được trưng bày trong dịp Đại lễ để nhân dân và du khách tham quan, chúng cháu cố gắng làm việc, sáng tạo với nỗ lực cao nhất". 1000 ngày công của những trẻ thiếu may mắn nhưng thừa tấm lòng với Thủ đô thân yêu đã làm nên món quà đầy ý nghĩa.

Chị Đoàn Thị Hoa cho biết thêm, tham gia triển lãm tại Cung Văn hóa LĐ Hữu nghị Việt- Xô từ ngày 1 đến 10-10, các cháu khuyết tật sẽ trình diễn các thao tác làm tranh giấy nghệ thuật, trong đó có các công đoạn làm bức tranh rồng.

Chiếc nón của người thương binh 83 tuổi

Trong cái nắng chói chang của những ngày thu, một trong những món quà đầu tiên mà ban tiếp nhận "Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội" nhận được là chiếc nón quai thao có đường kính 1,4 mét của cụ Phạm Trần Canh, 83 tuổi, thương binh hạng 2/4 ở làng nghề nón Chuông, xã Phương Trung, Thanh Oai (Hà Nội).

Bị mất một chân trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đi lại vô cùng khó khăn nhưng cụ Canh vẫn trực tiếp mang "đứa con tinh thần" của mình ra Cung Văn hóa LĐ Hữu nghị Việt-Xô tặng Thủ đô Hà Nội. Cụ kể: Ngoài thời gian chiến đấu ở chiến trường từ năm 1946-1952 thì cả đời cụ gắn với nghề làm nón lá. Chiếc nón đặc biệt dành tặng Thủ đô, cụ đã kỳ công làm trong 8 ngày với mong muốn thổi tình yêu nghề truyền thống cho lớp trẻ và hi vọng làng Chuông sẽ mãi mãi nức tiếng trên đất Thăng Long.

"Quốc bình Thăng Long" của người con đất phương Nam

Chủ nhân của chiếc bình gốm đặc biệt "Quốc bình Thăng Long" là anh Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát (Bình Dương). Anh tâm sự: Hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ở miền Nam xa xôi, anh đã ngẫm nghĩ nhiều ngày để có một món quà thật ý nghĩa dành tặng Thủ đô. Ý tưởng làm chiếc bình gốm sứ hình trống đồng có chiều cao 0,8m, đường kính điểm phình ra là 0,6m, hai quai và chân đế hình rồng thiêng, trên mặt khắc vàng 24k đã hình thành trong anh từ năm 2008. Đầu năm 2009, anh bắt đầu thực hiện ý tưởng. Thế nhưng, qua gần chục lần làm đi làm lại, tác phẩm mới có thể hoàn thiện như ý muốn bởi nó phải đạt được các tiêu chí: độ bền cao, không bị biến dạng trước sự tác động của thời tiết trong khi việc tìm được loại đất chịu được nhiệt độ nung cao mà không bị nứt ở miền Nam là rất khó. Hơn thế, tác phẩm "Quốc bình Thăng Long" có kiểu dáng và hoa văn hết sức cầu kỳ nên mọi công đoạn đều cần đến đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, mà nghệ nhân có thể đáp ứng được yêu cầu ấy ở Bình Dương không nhiều. Mời được những đôi bàn tay vàng trên khắp cả nước về Bình Dương để làm nên tác phẩm gốm sứ đặc sắc, anh Lý Ngọc Bạch đã đặt cho nó cái tên "Quốc bình Thăng Long" để nói lên tâm nguyện: mong ước cho Thăng Long - Hà Nội nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung luôn thái bình, no ấm.

Những món quà từ tấm lòng như của cụ Canh, anh Bạch hay các cháu khuyết tật ở Trung tâm dạy nghề Quỳnh Hoa và rất nhiều người khác nữa sẽ mãi mãi được chính quyền và nhân dân Thủ đô ghi nhận và được trưng bày tại Cung Văn hóa LĐ Hữu nghị Việt-Xô trong 10 ngày Đại lễ phục vụ khách tham quan.

Tính đến chiều 27-9, Ban tổ chức tiếp nhận tài liệu, hiện vật "Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội" đã nhận được 100 hiện vật của 41 tập thể, cá nhân đến từ 12 tỉnh, thành phố. Nhiều nhất là Hà Nội với 36 hiện vật, tiếp đến là các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Hải Dương, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Phú Thọ... Điển hình là bức tượng thần Kim Quy bằng gỗ quý của bác Lương Đình Hinh (Sơn La); bức tranh "Đồng đỏ Đoan môn Hoàng thành" dài 2,8 mét, cao 1,8 mét của Hiệp hội làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình); bức tranh "Thiên tải nhất thì" bằng đồng dát vàng, dài 4,05 mét, rộng 2,3 mét của bác Nguyễn Duy An, trú tại đội 4, tổ 22, Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội)...
Từ nay đến ngày 30-9, BTC sẽ tiếp tục nhận một số tặng vật quý như: Chuông đồng 4 tấn, 4 mặt khắc tứ trấn Thăng Long của Hiệp hội làng nghề Bắc Giang; mô hình Nhà lán Nà Lừa của tỉnh Tuyên Quang; tác phẩm thủ công mỹ nghệ "Rồng cuốn mây" bằng đá cao lanh của doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Hoa Thuận, Phú Xuyên (Hà Nội)...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọn vẹn tình yêu với Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.