(HNMO) - Ngày 30/6, cách đây đúng 100 năm, một tiếng nổ khổng lồ đã xé toạc bầu trời buổi bình minh trên khu rừng đầm lầy taiga ở miền tây Siberia, để lại một bí ẩn khoa học cho đến tận ngày nay.
(HNMO) - Hôm nay, 30/6, cách đây đúng 100 năm, một tiếng nổ khổng lồ đã xé toạc bầu trời buổi bình minh trên khu rừng đầm lầy taiga ở miền tây Siberia, để lại một bí ẩn khoa học cho đến tận ngày nay.
Một ánh sáng chói lòa đã xuyên qua bầu trời, trước khi một tiếng nổ lớn có sức mạnh ngang với một ngàn quả bom nguyên tử vang lên, "là" phẳng 80 triệu cây cối trên diện tích rộng hơn 2000km2.
Dân du cư Evenki đã đếm lại xem bao nhiêu ngôi nhà và thú vật đã bị hất tung lên trời. Ở Irkutsk, cách đó 1500km, các trạm địa chấn đã ghi lại những gì xảy ra ban đầu giống như một trận động đất. Một quả cầu lửa lớn đến nỗi mà một ngày sau đó, người dân London vẫn có thể đọc báo dưới bầu trời đêm.
Những gì đã xảy ra được gọi là Sự kiện Tunguska, bắt nguồn từ tên của con sông Podkamennaya Tunguska gần nơi xảy ra vụ nổ, đã làm dấy lên rất nhiều giả thuyết.
Giả thuyết lớn nhất là một khối thiên thạch, sau khi "chu du" trong vũ trụ hàng triệu năm trời, đã đâm sầm vào trái đất chính xác là vào lúc 7h17' ngày 30/6/1908.
Tuy nhiên, hầu hết những người bảo vệ quyết liệt nhất cho thuyết ảnh hưởng bất thình lình này đều thừa nhận rằng có rất nhiều kẽ hở. Họ cố tìm ra câu trả lời, tin rằng điều này sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ trái đất khỏi những sự kiện tương tự trong tương lai, mà các chuyên gia cho rằng sự kiện này có thể có tần xuất xuất hiện trung bình từ 200-1000 năm một lần.
Nếu khối đá là kẻ "tội đồ", thì sự lựa chọn nằm giữa một hành tinh nhỏ (một mảnh vỡ có thể bị hất văng khỏi quỹ đạo của nó giữa sao Hỏa và sao Mộc và va chạm với trái đất) và môt sao chổi (một đám băng "bụi đá", một loại vật chất bao quanh hệ mặt trời).
Các sao chổi di chuyển với vận tốc lớn hơn nhiều vận tốc của hành tinh nhỏ, điều này có nghĩa là chúng phát ra nhiều năng lượng động lực hơn. Một sao chổi nhỏ cũng có thể phát ra một sức mạnh tương đương một hành tinh nhỏ cỡ lớn.
Nhưng bất chấp mọi nỗ lực tìm kiếm, không một mảnh vỡ nào trong vụ nổ Tunguska được phát hiện.
Việc tìm ra dẫu chỉ là một mẩu nhỏ là rất quan trọng bởi nó sẽ cung cấp cho chúng ta thông tin về mức độ nguy hiểm đến từ những vật thể gần trái đất (NEO), các nhà nghiên cứu người Ý Luca Gasperini, Enrico Bonatti và Giuseppe Longo nói.
Khi một hành tinh nhỏ được tìm thấy, quỹ đạo của nó có thể biểu thị tỷ số của những lần "chạm mặt" với trái đất trong tương lai.
Các sao chổi ít hơn các tiểu hành tinh nhưng lại đáng lo ngại hơn vì chúng phần lớn là những thực thể vô danh.
Hầu hết các sao chổi không được phát hiện bởi chúng phải mất hàng thập niêm hoặc thậm chí hàng trăm năm bay xung quanh mặt trời và ngang qua trái đất chúng ta. Vì vậy, bất cứ sao chổi nào va chạm với trái đất cũng có thể đẩy chúng ta vào đêm tối khi chúng ta có quá ít thời gian để phản ứng kịp.
Các chuyên gia NEO dường như chưa chắc chắn về kích thước của vật thể.
Ước tính, dựa trên độ phá hủy mặt đất, vật thể trải dài từ 3m đến 70m. Tất cả đều đồng ý rằng vật thể này đã phát nổ bên trên mặt đất, ở độ cao khoảng vài km đến 10km.
Nhưng đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt về các mảnh vụn rơi trên mặt đất. Điều này cực kỳ quan trọng. Khi những vật thể gần trái đất kế tiếp Tunguska xuất hiện, những người bảo vệ trái đất sẽ phải lựa chọn xem nên làm lệch đường di chuyển của nó hay thổi nó lên không trung.
3 nhà khoa học Ý tin rằng câu trả lời nằm ở cái hồ có hình bầu dục, được gọi là Hồ Cheko, nằm cách nơi xảy ra vụ nổ 10km.
Họ dự định thực hiện một chuyến thám hiểm đến khu hồ này với hi vọng sẽ tìm thấy những mảnh vụn được chôn vùi dưới đáy hồ sâu 10m.
Nhưng nếu vụ nổ không phải do sao chổi hay một tiểu hành tinh gây ra thì thế nào?
Một lý thuyết trái chiều sẽ được công bố trên tạp chí New Scientist tuần này.
Hồ Cheko không có hình dáng tròn đặc trưng của một miệng núi lửa, và cũng không có bất cứ vật chất ngoài trái đất nào được tìm thấy ở đây, điều này có nghĩa là "phải có một lời giải thích trên mặt đất", ông Wolfgang Kundt, nhà vật lý học thuộc Đại học Bonn (Đức) nói.
Ông tin rằng sự kiện Tunguska gây ra bởi một vụ thóat 10 triệu tấn khí gas giàu methan nằm sâu trong lớp vỏ trái đất.
H.V(Theo AFP)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.