(HNMCT) - Chất liệu dân gian luôn đóng một vai trò quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc riêng của nhạc Việt. Nhưng để chất liệu này trở nên hấp dẫn với đông đảo công chúng như thời gian gần đây, phải kể đến sự cố gắng của các nghệ sĩ trẻ trong việc khơi đúng mạch dân gian bằng một tinh thần rất trẻ trung, hiện đại.
Giành được sự yêu mến của khán giả
Trong một buổi sinh hoạt văn nghệ tại một trường trung học cơ sở ở Hà Nội, khá bất ngờ khi chúng tôi được nghe các em học sinh thể hiện ca khúc Để Mị nói cho mà nghe - một bản hit của ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Với tiết tấu vừa sôi động, vừa gần gũi nhờ âm hưởng ngũ cung, phảng phất âm hưởng dân gian Tây Bắc, vừa thời thượng với chất nhạc hiện đại, đan xen với nhạc điện tử và rap, Để Mị nói cho mà nghe là một ca khúc bắt tai, dễ thuộc.
Và hơn thế, phần MV của ca khúc, với sự xuất hiện của rất nhiều nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện thực phê phán nổi tiếng nhất đã được nhắc đến như Mị, lão Hạc, cậu Vàng, Chí Phèo, Thị Nở, Xuân Tóc Đỏ, chị Dậu... đã khiến cho ca khúc này trở nên gần gũi với đông đảo công chúng, đặc biệt là chinh phục được cả lứa khán giả đang trên ghế nhà trường. Ca khúc này cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ các nhà phê bình.
Chia sẻ về ca khúc này, Hoàng Thùy Linh cho biết: “Tinh thần mạnh mẽ của cô Mị khiến tôi khao khát đi đến cùng một không gian nghệ thuật hiện đại, gần với xu hướng của thế giới nhưng vẫn mang hồn phách văn hóa Việt Nam”.
Mới đây, album Hoàng của Hoàng Thùy Linh cũng gặt hái được những thành công ấn tượng khi bản vật lý được đặt mua hết chỉ sau 1 ngày mở bán, tất cả ca khúc trong album đồng loạt lọt top 10 của cả iTunes lẫn Spotify Việt Nam. Đáng nói là toàn bộ 9 ca khúc trong album này đều mang phong cách pop pha chất dân gian ngũ cung.
Ngoài 2 ca khúc được phát hành MV trước đó là Tứ phủ và Để Mị nói cho mà nghe, album còn có 7 sáng tác mới gồm: Khởi đầu, Duyên âm, Em đây chẳng phải Thúy Kiều, Lắm mối tối ngồi không, Kẽo cà kẽo kẹt, Kẻ cắp gặp bà già và Giải kết. Điều này khẳng định việc khai thác chất dân gian không phải chỉ là một cuộc dạo chơi của Hoàng Thùy Linh mà là một sự “đầu tư chiến lược” để tạo dựng phong cách và thực sự đã có hiệu quả.
Không chỉ Hoàng Thùy Linh, nhiều ca sĩ khác cũng đã thành công trong việc khai thác chất liệu dân gian, tạo thành một xu hướng rõ rệt trong đời sống âm nhạc thời gian qua như ca sĩ Tân Nhàn với MV Cô đôi Thượng Ngàn, Thu Hằng với MV Nhà em ở lưng đồi, Bích Phương với MV Nói thương nhau đừng làm trái tim em đau…
Sắp tới tại Hà Nội, nhạc sĩ Quang Hưng, người khá thành công trong việc kết hợp âm nhạc dân tộc, đặc biệt là âm thanh của cây đàn bầu với hòa thanh hiện đại cũng sẽ giới thiệu đến công chúng liveshow Bài ca tình yêu thực hiện cùng nhạc sĩ Thành Vương và ca sĩ Đinh Mạnh Ninh với những sáng tác mang âm hưởng dân gian rõ nét.
Chất liệu quý
Nhiều người cho rằng xu hướng sử dụng chất liệu dân gian trong nhạc trẻ bắt đầu từ cách đây vài năm, đặc biệt là sau khi một số tiết mục xẩm, ca trù... được đưa lên các gameshow âm nhạc. Nhưng trên thực tế, cảm hứng từ chất liệu dân tộc, âm nhạc truyền thống các vùng miền hay tín ngưỡng dân gian luôn là một trong những nguồn cảm hứng lớn của âm nhạc nước nhà và gần như ở giai đoạn âm nhạc nào cũng có những tác phẩm hết sức thành công.
Các nhạc sĩ như Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Đức Phương, An Thuyên... đều tạo dựng tên tuổi trong nền âm nhạc nước nhà bằng những sáng tác như vậy. Tiếp sau đó là thế hệ các nhạc sĩ Quốc Trung, Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Thiên Hương, Lê Cát Trọng Lý... đều rất nổi tiếng với dòng nhạc dân gian đương đại.
Trong giai đoạn hiện nay, các nghệ sĩ trẻ lại khai thác chất liệu truyền thống theo một xu hướng mới, phù hợp với công chúng hiện tại. Dễ dàng nhận thấy những ca khúc gần đây thường mang đến cho chất liệu dân gian một màu sắc âm nhạc rực rỡ hơn, với một thái độ tự do hơn rất nhiều mà theo đánh giá của nhạc sĩ Nguyễn Cường là khá thú vị so với giai đoạn trước. Cách khai thác này đôi khi cũng gây ra những tranh cãi, chẳng hạn như ca khúc Tứ phủ mà Hoàng Thùy Linh thể hiện khai thác yếu tố tâm linh đã gây nên những phản ứng rất khác nhau trong cộng đồng nghe nhạc. Hay cách khai thác sắc màu văn hóa vùng miền nhưng không trung thành với trang phục, vũ đạo truyền thống của một số ca sĩ trẻ cũng khiến công chúng so sánh... Tuy nhiên, nhìn ở góc độ sáng tạo thì ý thức làm mới chất liệu dân gian của các nghệ sĩ trẻ hiện nay là đáng ghi nhận.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân từng nhận định: “Trong mỗi thời đại, các nhạc sĩ đều tìm đến giá trị truyền thống và kết hợp với tinh hoa nhân loại để xây dựng cho mình một ngôn ngữ âm nhạc, một phong cách âm nhạc mang hơi thở dân tộc”. Còn nhạc sĩ Nguyễn Cường thì quan niệm: “Văn hóa của mỗi dân tộc Việt Nam là một trái núi lớn, các bạn trẻ hãy học cách trèo lên trái núi đó”. Và thật mừng khi thấy những nghệ sĩ trẻ hôm nay vẫn tiếp bước con đường tìm kiếm và phát huy bản sắc dân tộc trong âm nhạc và tạo được sự đồng điệu nơi người nghe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.