Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tro tàn rực rỡ”: Bảy năm cho một bộ phim

An Định| 27/11/2022 06:09

(HNMCT) - “Tro tàn rực rỡ” là bộ phim đánh dấu sự trở lại màn ảnh rộng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau gần một thập niên vắng bóng. Sự kết hợp giữa ngôn ngữ điện ảnh của Bùi Thạc Chuyên và chất văn của Nguyễn Ngọc Tư đã tạo ra một tác phẩm điện ảnh “đặc quánh” chất miền Tây Nam Bộ, mang lại ấn tượng với người xem.

Cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ ”.

Truyện của Nguyễn Ngọc Tư lại lên màn ảnh rộng

“Tro tàn rực rỡ” là bộ phim được chuyển thể từ hai truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bởi vậy, không lạ khi bộ phim lấy bối cảnh xóm nghèo miền sông nước và xoay quanh cuộc sống của những người phụ nữ nông thôn với những câu chuyện đầy day dứt, ám ảnh về tình yêu.

Ba người phụ nữ trong phim là 3 số phận khác nhau, được kết nối từ hai truyện ngắn. ở “Tro tàn rực rỡ”, Nhàn yêu và lấy Tam, một người đàn ông say xỉn tối ngày, thường lấy việc... đốt nhà để giải tỏa sự bất lực, tổn thương, tủi hổ ẩn sâu trong lòng và trào lên mỗi khi say. Nhàn cam chịu đời sống cơ cực, vá víu về vật chất để níu giữ tình yêu. Ở phía sau Nhàn là Dương, một người đàn ông yêu cô đơn phương và câm lặng. Ngay sau đám cưới của Nhàn, Dương lấy Hậu khi Hậu chỉ vừa 17 tuổi. Hậu lặng lẽ phát hiện ra tình cảm của chồng và cô níu giữ anh về nhà bằng những câu chuyện về Nhàn, tưởng vô tình mà đầy tính toán... Cũng theo đuổi tình yêu một cách quyết liệt nhưng ở truyện ngắn “Củi mục trôi về” là sự dữ dội của cô Loan “khùng”. Mỗi câu chuyện tình mang dáng vẻ khác nhau, nhưng tựu trung đều mạnh mẽ, đầy ám ảnh bởi chính vẻ đẹp tâm hồn rất đỗi nhạy cảm của phái nữ. Đúng như tựa đề phim, ngọn lửa và tro tàn xuất hiện xuyên suốt như một ẩn dụ cho cái tình và khát khao được “nhìn thấy” của những người đàn bà trong phim.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Tôi rất thích truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư - một nữ nhà văn của đất Cà Mau, mảnh đất cực Nam của Việt Nam. Trong truyện của Tư có những người phụ nữ với tình yêu rất đặc biệt, thứ tình yêu không gì làm dừng lại được. Tôi nghĩ tình yêu là chủ đề không bao giờ cũ, nhất là tình yêu của những người phụ nữ”. Ban đầu, anh chỉ định chuyển thể truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ”. Nhưng sau đó, anh tin rằng cần phải có thêm một câu chuyện tình khác, với hình bóng một người phụ nữ khác để thông điệp trở nên vững chãi hơn. Như vậy, nối tiếp phim “Cánh đồng bất tận” (năm 2010) và phim ngắn “Biến mất ở thư viên” (2022), thế giới văn học của Nguyễn Ngọc Tư một lần nữa bước lên màn ảnh, và vẫn là một miền Tây "đặc quánh" những câu chuyện ám ảnh.

Bảy năm cho một bộ phim

Từ khi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng đến khi hoàn thành bộ phim “Tro tàn rực rỡ”, Bùi Thạc Chuyên đã mất 7 năm để chuyển những con chữ của Nguyễn Ngọc Tư lên màn ảnh rộng. Và, hành trình đó cũng khá kỳ công. Chẳng hạn với Bảo Ngọc Doling, người đảm nhận vai Hậu, cô lọt vào mắt xanh của đạo diễn năm 13 tuổi và đến khi 18 tuổi mới chính thức bước vào giai đoạn bấm máy. Từ một cô gái lai mang hai dòng máu Anh và Việt sống ở trời Tây, Bảo Ngọc đã hòa nhập vào đời sống người dân miền Tây sông nước, hóa thân thành người vợ, người mẹ trên màn ảnh.

Để vào vai Nhàn, Phương Anh Đào đã cùng các diễn viên tới Cà Mau và dành một tháng liền để chuẩn bị cho vai diễn. Theo đơn vị sản xuất, trong thời gian này, Phương Anh Đào phải phơi nắng, học cách nấu cơm và làm việc nội trợ như một người phụ nữ nông thôn. Tới khi nhập vai, cô được chỉnh trang cho đen đúa và hằng ngày phải tô răng bớt trắng để có thể hoàn toàn "trở thành Nhàn". “Tuy vai diễn này Phương Anh Đào không phải chịu bầm dập về thể xác như vài vai diễn trước nhưng sâu bên trong nhân vật lại ẩn chứa nhiều tổn thương. Đó cũng là cách kể về nhân vật của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mà tôi rất thích. Anh Chuyên khiến mọi thứ có vẻ bình thường khi nhìn từ bên ngoài. Mọi cảm xúc ngược lại được nén vào bên trong. Nhưng sâu bên trong nhân vật sẽ là rất nhiều lớp lang để khám phá" - Phương Anh Đào chia sẻ. Tương tự như Phương Anh Đào, bạn diễn Quang Tuấn cũng phải học làm nghề than tại Cà Mau cho vai Tam và được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đánh giá là đã “vô vai”. Các diễn viên khác như NSƯT Hạnh Thúy, Thạch Kim Long, Mai Thế Hiệp... cũng phải sống cả tháng trời ở miền Tây để vào vai được tốt hơn.

Sự kỳ công của đạo diễn đã mang đến cho “Tro tàn rực rỡ” một vẻ đẹp đậm chất miền Tây Nam Bộ, từ con người tới cảnh vật. Theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, với chị, điều đặc biệt nhất của “Tro tàn rực rỡ” là không gian miền Tây độc đáo trong văn học của Nguyễn Ngọc Tư đã bước lên màn ảnh, và đó cũng là điều mà người xem cảm nhận rõ nhất qua hình ảnh giới thiệu về bộ phim.

Tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 35 vừa qua, “Tro tàn rực rỡ” đã vượt qua gần 1.700 tác phẩm trên toàn thế giới để vinh dự trở thành 1 trong 15 phim tranh giải tại hạng mục chính thức (Main Section). “Tro tàn rực rỡ” cũng là phim Việt đầu tiên ghi tên mình trong hạng mục chính thức của một trong những liên hoan phim danh giá nhất châu á và có buổi ra mắt toàn cầu tại đây. Phim sẽ ra mắt khán giả trong nước từ ngày 2-12.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tro tàn rực rỡ”: Bảy năm cho một bộ phim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.