Xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức tiếp tục được Viettel triển khai sau khi thử nghiệm thành công trợ lý ảo pháp luật phục vụ hệ thống tòa án. Việc đưa trợ lý ảo vào hoạt động được kỳ vọng trở thành nhân tố “giúp việc” đắc lực của đội ngũ cán bộ công chức, giúp nâng cao hiệu quả công việc…
Ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực
Trợ lý ảo là một phần mềm có thể thực hiện các tác vụ dựa trên các câu lệnh hoặc tra cứu thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra khái niệm trợ lý ảo là máy tìm kiếm thế hệ mới, nếu người dùng có một câu hỏi, máy tìm kiếm thế hệ cũ trả ra hàng triệu kết quả, thì trợ lý ảo sẽ trả lời ngắn gọn, trực tiếp. Trợ lý ảo hỏi đáp tri thức chuyên ngành trong lĩnh vực cụ thể, được hiểu là giải quyết bài toán trong phạm vi hẹp hơn, giúp nâng tầm tri thức bằng cách giúp khai thác các tri thức ẩn, đây là loại tri thức rất khó được hệ thống hóa và gắn với bối cảnh và công việc cụ thể. Cuối cùng, trợ lý ảo có thể cá thể hóa, càng dùng nhiều thì càng thông minh lên theo thời gian.
Theo ông Trần Mạnh Quân, Phó giám đốc Khối nền tảng trợ lý ảo, Trung tâm Không gian mạng Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel), tại Việt Nam, trợ lý ảo được ứng dụng mạnh mẽ trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, dịch vụ hành chính công với vai trò là các tổng đài ảo chăm sóc khách hàng (callbot, chatbot). Viettel đã nghiên cứu và đang hoàn thiện trợ lý ảo phục vụ đội ngũ cán bộ công chức nhà nước. Cụ thể, trợ lý ảo này ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM-Large Language Model) giúp sinh câu trả lời tự nhiên, thân thiện hơn; hỗ trợ tra cứu trên 100.000 văn bản quy phạm pháp luật thông qua kết nối Cổng dữ liệu chính phủ và máy tìm kiếm của doanh nghiệp trong nước để tự động cập nhật thông tin quy định, quy chế pháp luật và thông tin về doanh nghiệp; cho phép cán bộ, công chức tự bổ sung dữ liệu riêng, cá nhân hóa trên trợ lý ảo mà không cần nhân sự kỹ thuật.
Đáng chú ý, phải kể đến trợ lý ảo pháp luật do Viettel phát triển đã được công bố thử nghiệm thành công (tháng 9-2023), giúp giảm 30% lượng công việc so với thao tác truyền thống, tối ưu thời gian vận hành của toàn bộ hệ thống tòa án. Trợ lý ảo pháp luật sở hữu hệ thống cơ sở tri thức ngành với hơn 165.000 văn bản pháp luật, 70 án lệ và 1,2 triệu bản án, 12.000 câu hỏi và trả lời các tình huống pháp lý. Trong đó, hơn 1.200 quyết định giám đốc thẩm và hơn 80.000 bản án phúc thẩm do Tòa án nhân dân Tối cao cung cấp.
Nhờ được tích hợp từ các mô hình học sâu (Deep learning) cũng như các thuật toán tìm kiếm nội dung theo ngữ nghĩa (Semantic Search), công cụ này cho phép người dùng dễ dàng tra cứu nhanh và chính xác các văn bản pháp luật. Ứng dụng cũng có thể hỗ trợ lập kế hoạch giải quyết vụ án, tạo lập và quản lý hồ sơ án điện tử, thậm chí chỉ dẫn chi tiết các bước, biểu mẫu thực hiện theo đúng quy định về tố tụng như một sổ tay điện tử cho từng vụ án...
Trao tri thức cho người dùng
Là người trực tiếp sử dụng trợ lý ảo pháp luật, Thẩm phán Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy Lê Thị Khanh cho biết, từ khi Tòa án nhân dân Tối cao triển khai phần mềm trợ lý ảo đến tất cả tòa án trong cả nước, các thẩm phán đều được cấp tài khoản và mật khẩu sử dụng. Tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, ban đầu mọi người còn bỡ ngỡ, nhưng khi quen rồi, thì thấy rất hiệu quả.
Thẩm phán Lê Thị Khanh dẫn chứng, theo quy định, thẩm phán phải công khai bản án trên Cổng thông tin công bố bản án của Tòa án nhân dân Tối cao. Khi chưa có trợ lý ảo, các thẩm phán sẽ phải mã hóa dữ liệu trong bản án bằng viết tay, cả buổi chỉ làm được 3-4 bản án; nhưng nay trong khoảng 30-40 phút đã có thể mã hóa và đăng 10-15 bản án có hiệu lực pháp luật.
Trợ lý ảo có ý nghĩa quan trọng trong việc trao đổi nghiệp vụ. Với những tình huống pháp luật phát sinh, nhưng mối quan hệ pháp luật giống nhau, thì trợ lý ảo sẽ cung cấp cho thẩm phán công cụ tham khảo cách giải quyết của các đồng nghiệp khác trên cả nước. Một tính năng nữa là trợ lý ảo cập nhật các văn bản mới tương đối nhanh, có những văn bản ban hành 4, 5 ngày đã có trên hệ thống.
Theo Trung tâm Không gian mạng Viettel, đến nay, sau hơn 1 tháng đưa vào sử dụng chính thức, trợ lý ảo pháp luật có hơn 3 triệu lượt sử dụng, trung bình có 5.000-6.000 lượt hỏi đáp, tra cứu mỗi ngày. Viettel cũng đã phối hợp khảo sát về sử dụng phần mềm này (với 1.031 lượt đánh giá) thì 99% người sử dụng đánh giá cao độ hữu ích của sản phẩm; tỷ lệ người sử dụng chưa hài lòng chỉ chiếm 5,22%.
Đại diện nhóm phát triển sản phẩm này của Viettel, ông Nguyễn Công Thắng cho biết, đội ngũ kỹ sư Viettel phối hợp chặt chẽ với tòa án các cấp, xin tham vấn từ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành Tòa án trong suốt quá trình đưa sản phẩm áp dụng vào thực tế. Chính nhóm phát triển cũng được đào tạo hằng tuần về các kiến thức pháp luật cũng như quy trình tố tụng… để hoàn thiện sản phẩm tốt hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp đang xây dựng 4 trợ lý ảo phục vụ người Việt Nam, là: Trợ lý ảo lập pháp để phát hiện những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật; trợ lý ảo hành pháp hỗ trợ bộ máy cán bộ, công chức; trợ lý ảo tư pháp để giảm bớt công việc cho các thẩm phán; trợ lý ảo pháp lý hỗ trợ tư pháp cho người dân. Việc phát triển và đưa các trợ lý ảo này hoạt động được kỳ vọng sẽ thay đổi căn bản cách làm việc của người Việt, để mỗi người dân, mỗi cán bộ, công chức, viên chức có một trợ lý riêng. Đó cũng là ước mơ trao thêm quyền năng tri thức cho con người, cho gần 3 triệu cán bộ, công chức, viên chức thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.