LTS: Hơn 2 năm kể từ ngày xảy ra vụ việc mất an ninh trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), trong khi hầu hết người dân địa phương hiểu rõ vấn đề, chăm lo, vun vén xây dựng quê hương, thì một số ít cá nhân vẫn cố tình làm phức tạp tình hình. Pháp luật phải được thực thi là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Bài đầu: Chỉ có đất quốc phòng, không có đất “đồng Sênh”!
Sự thật đã được các cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát, làm rõ là ở xã Đồng Tâm chỉ có đất quốc phòng, không tồn tại khu vực gọi là đất “đồng Sênh”. Thế nhưng, ông Lê Đình Kình và một số người ở xã Đồng Tâm vẫn cố tình dựa vào khu đất là sản phẩm tưởng tượng này để nối dài hành vi sai trái của mình.
Sự thật chỉ có một
Quá trình giải quyết đơn thư liên quan đến đất đai tại xã Đồng Tâm, kể từ khi xảy ra vụ việc mất an ninh trật tự năm 2017 đến nay, được các cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố Hà Nội thực hiện một cách thấu đáo, kỹ càng. Mới đây nhất, ngày 27-8-2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã đồng chủ trì họp báo thông tin, trao đổi làm rõ thêm về Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).
Tại đây, một lần nữa, các cơ quan chức năng đã làm rõ sự thật không có cái gọi là đất “đồng Sênh” mà chỉ có đất quốc phòng. Đại diện Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổ trưởng Tổ rà soát khẳng định: Qua kiểm tra tài liệu có liên quan, hồ sơ quản lý đất nông nghiệp xã Đồng Tâm, đo đạc hiện trạng, chồng ghép các bản đồ, Thanh tra Chính phủ một lần nữa khẳng định, diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm là 64,66ha (diện tích này đã được UBND xã Đồng Tâm, Nông trường quốc doanh Lương Mỹ, Xí nghiệp Vôi đá Miếu Môn bàn giao cho các đơn vị quân đội từ năm 1981). Thực tế, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm là đất quốc phòng. Điều này thể hiện qua xác nhận của UBND xã Đồng Tâm tại sơ đồ phạm vi, ranh giới đất sân bay Miếu Môn do Lữ đoàn 28 lập ra. Ông Nguyễn Mạnh Hà nêu rõ: “Hiện trạng đất sân bay Miếu Môn không có thay đổi, không chuyển dịch mốc giới theo đo đạc của cơ quan chuyên môn nên không có việc tăng hay giảm diện tích giữa đất sân bay Miếu Môn và xã Đồng Tâm”.
Tất cả các căn cứ trên cho thấy, việc ông Lê Đình Kình có đơn thư cho rằng, đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm rộng hơn 106ha, gồm 47,36ha đã giao cho các đơn vị quốc phòng, còn lại 59ha là đất “đồng Sênh” của xã Đồng Tâm là không đúng.
Như Báo Hànộimới từng đề cập, những con số 59ha đất và 106ha đất chỉ là sự tưởng tượng có chủ ý của ông Lê Đình Kình và một số người; hoàn toàn không có cơ sở về mặt lịch sử sử dụng đất cũng như căn cứ pháp lý. Vì là sự tưởng tượng, nên trong chính nhóm ít người đang có hành vi sai trái, lúc thì nói 96ha, lúc nói 106ha… Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người cao tuổi ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm cũng khẳng định, đất “đồng Sênh” chỉ là sự bịa đặt. Ông Nguyễn Văn Vỹ (sinh năm 1953, xóm 8, thôn Hoành, xã Đồng Tâm) nói: "Tổng số đất Đồng Tâm ở khu vực sân bay chỉ có 64,66ha, còn lại thuộc xã khác, chứ lấy đâu ra đất “đồng Sênh”.
Một sự thật hiển nhiên là khi quan sát trực quan sơ đồ sân bay Miếu Môn sẽ thấy, diện tích đất sân bay nằm trong khu vực địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng diện tích chung của sân bay. Nếu con số 106ha là có thật thì diện tích đất sân bay thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm phải chiếm gần 1/2 tổng diện tích sân bay (?!). Điều này một lần nữa khẳng định ở xã Đồng Tâm chỉ có đất quốc phòng, không có đất “đồng Sênh”.
Phải xử lý nghiêm
Trong khi sự thật đã rõ ràng. Hầu hết người dân xã Đồng Tâm đều hiểu và chấp hành, thì ông Lê Đình Kình cùng một số người trong nhóm “Đồng thuận” vẫn cố tình tảng lờ và làm đơn khiếu nại kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Trong 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng, không có hộ ông Lê Đình Kình. Theo quy định của pháp luật, ông Lê Đình Kình là người không có quyền và lợi ích hợp pháp tại khu vực đất sân bay Miếu Môn, không phải là đối tượng thanh tra, nên không có quyền khiếu nại kết luận của thanh tra. Ông Kình có hai quyền là quyền phản ánh theo Luật Tiếp công dân (bằng đơn hoặc đến trụ sở tiếp công dân) và quyền tố cáo theo Luật Tố cáo. Ngoài hai quyền này, ông Kình không có các quyền khác”.
Theo UBND huyện Mỹ Đức, tất cả 14 hộ dân xã Đồng Tâm đang sử dụng đất quốc phòng, những người có lợi ích trực tiếp và có quyền khiếu nại kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố, đến nay đều đồng thuận và ủng hộ chủ trương di dời, trả lại mặt bằng cho Nhà nước. Nói riêng về ông Lê Đình Kình, từng là cán bộ chủ chốt tại địa phương, nắm chi tiết nguồn gốc đất đai, thế nhưng khi Bộ Quốc phòng cắm mốc giới ông lại không có ý kiến gì với các cấp có thẩm quyền. Đến nay, khi không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến khu đất thì ông lại viết đơn khiếu nại không đúng quy định pháp luật. Vậy, việc làm này có mục đích gì?
Tại hội nghị ngày 27-8-2019, trả lời báo chí về việc có một số ít đối tượng ở xã Đồng Tâm đang lợi dụng khiếu kiện vì mục đích không trong sáng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Với những thông tin cơ quan chức năng thu thập được, có thể khẳng định, có việc lợi dụng khiếu kiện, tố cáo để xem chính quyền thành phố có bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ hoa màu hay không.
Nhiều người dân ở xã Đồng Tâm mà chúng tôi tiếp xúc cũng cho rằng, ông Lê Đình Kình và nhóm “Đồng thuận” đang lợi dụng dân chủ để trục lợi. Họ kiến nghị, nếu nhóm này không thay đổi để “quay đầu lại là bờ” thì cơ quan chức năng cần phải mạnh tay xử lý nghiêm, không để tiếp tục có những hành vi gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.