(HNMCT) - Bài toán sử dụng hay không sử dụng cầu thủ ngoại tại hệ thống thi đấu quốc gia, nếu sử dụng thì mức độ như thế nào... đang là câu chuyện “nóng” của bóng chuyền Việt Nam. Trong hành trình nâng tầm bóng chuyền Việt Nam, đây thực sự là vấn đề đáng lưu tâm, cần sự quyết đoán trong việc ra quyết định của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.
Câu chuyện cũ
2012 là mùa giải gần nhất bóng chuyền Việt Nam sử dụng cầu thủ ngoại ở hệ thống thi đấu quốc gia. Khi ấy, lý do được đưa ra là cần thúc đẩy đào tạo trẻ tại các câu lạc bộ nhằm tạo nguồn cầu thủ cho đội tuyển quốc gia. Còn trước đó, khi được phép sử dụng cầu thủ ngoại, nhiều đội bóng tại Việt Nam đã lao vào cuộc đua chiêu mộ cầu thủ ngoại với mức “lót tay” và khoản lương gấp hàng chục lần so với cầu thủ nội. Khoản chi cho cầu thủ ngoại chiếm phần đáng kể trong nguồn kinh phí hằng năm của một đội bóng chuyền nhưng nhiều đội vẫn chấp nhận để có thành tích.
Đáng nói là đa số cầu thủ ngoại chỉ gắn bó với các đội bóng theo hợp đồng thời vụ, tức chỉ tập trung ít ngày cùng đội bóng trước khi giải đấu khởi tranh và trở về nước ngay khi giải đấu kết thúc. Cũng vì vậy, việc cầu thủ nội học hỏi từ các cầu thủ ngoại trong quá trình tập luyện cũng bị ảnh hưởng đáng kể, không nhiều như kỳ vọng. Tất nhiên, việc va đập và thi đấu cùng cầu thủ ngoại cũng giúp ích cho cầu thủ nội. Lúc ấy, việc tập trung nguồn lực để đầu tư cho cầu thủ ngoại khiến nhiều đội bỏ bê khâu đào tạo trẻ. Hệ quả là bóng chuyền Việt Nam hầu như không có nhân tố mới để bổ sung cho đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia. Điều này khiến thành tích của các đội tuyển ở sân chơi quốc tế đi xuống.
10 năm sau khi không sử dụng cầu thủ ngoại, các đội bóng đã tập trung hơn vào khâu đào tạo trẻ nhưng đổi lại, Giải vô địch Bóng chuyền quốc gia lại trở nên nhàm chán. Tính cạnh tranh của giải đấu không cao khiến nhiều đội đặt vấn đề cần có cầu thủ ngoại. HLV đội nữ Kinh Bắc Bắc Ninh Phạm Văn Long cho biết, nếu có cầu thủ ngoại, khán giả sẽ được theo dõi nhiều trận đấu có chất lượng chuyên môn cao. Đội bóng có cầu thủ ngoại sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong nội bộ và điều này giúp ích cho các đội cũng như đội tuyển quốc gia. Ông bầu Đào Hữu Huyền của đội nữ Hóa chất Đức Giang cũng cho rằng, việc cho phép cầu thủ ngoại thi đấu ở Giải vô địch quốc gia là cấp thiết vì sẽ giúp giải đấu thêm hấp dẫn, nhiều đội có cơ hội cạnh tranh chức vô địch.
Chuyện thuê ngoại binh không mới, nhưng vấn đề là giải quyết như thế nào để việc này không tạo ra hệ lụy xấu đối với sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam.
Cần cách giải quyết hài hòa
Khi nhận được nhiều đề xuất từ các câu lạc bộ về vấn đề cho phép cầu thủ ngoại thi đấu tại hệ thống giải quốc nội, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã xem xét, cân nhắc. Về cơ bản, những người có trách nhiệm ở Liên đoàn đã tìm được tiếng nói chung trong việc cho phép cầu thủ ngoại thi đấu tại Giải vô địch quốc gia trong thời gian tới.
Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường cho hay, có thể cho phép cầu thủ ngoại thi đấu ngay ở mùa giải 2022. Nếu chưa được thì sẽ xem xét kỹ lưỡng và tìm thời điểm thích hợp sớm nhất. Còn Trưởng bộ môn Bóng chuyền - Bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Bùi Đình Lợi nhận định, việc cho phép cầu thủ ngoại thi đấu trở lại tại hệ thống giải quốc nội có thể khiến những đội bóng “nghèo” như Hà Nội gặp khó khăn hơn trong việc duy trì thành tích. Dù vậy, đây gần như là việc phải chấp nhận. Quan trọng là vẫn phải có chế tài để việc này không ảnh hưởng đến sự đầu tư cho hệ thống đào tạo trẻ của các câu lạc bộ, đồng thời phải tính toán số lượng cầu thủ ngoại ở mỗi đội, rồi số cầu thủ ngoại của mỗi đội được thi đấu trên sân là bao nhiêu. Phương án mỗi đội được thuê 2 ngoại binh, được đưa 1 ngoại binh vào sân thi đấu hoặc chỉ được thuê 1 ngoại binh... cũng đã được đặt ra. Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường từng cho rằng, phải cân nhắc rất kỹ việc này. Bởi nếu có nhiều cầu thủ ngoại quá cũng ảnh hưởng đến cơ hội thi đấu của cầu thủ nội.
Rõ ràng, việc cho phép cầu thủ ngoại thi đấu trở lại tại Giải vô địch quốc gia thực sự đáng quan tâm, nhất là sau thành công của các đội tuyển bóng đá, bóng rổ ở sân chơi quốc tế. Thực sự là trong việc này, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cần có quyết định hài hòa, bảo đảm thực hiện được các mục tiêu, thay vì cứng nhắc khi đưa ra quyết định không cho cầu thủ ngoại thi đấu ở sân chơi quốc nội như 10 năm trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.