Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trở lại “sân nhà”

Việt Nga| 25/10/2011 07:16

(HNM) - Theo Tập đoàn Dệt - May Việt Nam (Vinatex), 9 tháng qua toàn ngành đã đạt 10,5 triệu USD giá trị xuất khẩu, nhưng bắt đầu xuất hiện tình trạng một số DN thiếu đơn hàng sản xuất trong những tháng cuối năm.


Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty May 10.

Theo thông lệ, những tháng cuối năm, các DN trong ngành thường nhận được nhiều đơn đặt hàng, thậm chí ngay năm 2010 khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, nhưng các DN vẫn có nhiều đơn hàng xuất khẩu. Năm nay, tình hình lại thay đổi, nhiều DN lớn mới có đơn hàng sản xuất đến hết năm, một số DN vừa và nhỏ chưa nhận được đặt hàng. Nguyên nhân là do bất ổn từ nền kinh tế toàn cầu trong đó hai thị trường tiêu thụ chính của dệt may Việt Nam là Mỹ và EU đều đang khủng hoảng khiến người dân cắt giảm chi tiêu… Tình trạng này được dự đoán còn kéo dài ít nhất hết quý I-2012, như vậy, ngành dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Một trong những giải pháp được đưa ra là các DN trong ngành tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới để giữ vững và tăng kim ngạch xuất khẩu, tránh những rủi ro khi thị trường truyền thống bị khủng hoảng. Song, cũng từ vấn đề này lại đặt ra vấn đề nếu phát triển được các thị trường mới thì không thể ngay một lúc DN có thể đạt chỉ tiêu nào đó. Do vậy, giải pháp đặt ra là các DN trong nước cần tăng cường chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Thực tế, đòi hỏi dệt may cần phải lấy lại chỗ đứng trên thị trường nội địa không phải bây giờ mới được các DN chú trọng. Vài năm gần đây, các DN trong ngành đã có những đầu tư bài bản để dần từng bước lấy lại "sân nhà" mà một thời đã "bỏ hoang". Đi đầu là Tập đoàn Vinatex, gần 10 năm nay, bên cạnh việc chú trọng sản xuất, Vinatex đã đầu tư phát triển hệ thống chuỗi siêu thị trong cả nước chuyên bán các sản phẩm may mặc, chăn ga, gối đệm… của các đơn vị thành viên. Ngoài 53 siêu thị thời trang mang tên Vinatex, tập đoàn còn phối hợp với chuỗi các siêu thị khác, như Fivimart, Hapro Mart… để cùng bán sản phẩm trên toàn quốc. Các đơn vị thành viên của Vinatex như May 10, May Việt Tiến, May Nhà Bè, Thành Công… cũng đầu tư bài bản để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước. Không chỉ có vậy, các DN cũng lần lượt đầu tư cho việc thiết kế kiểu dáng phù hợp với người tiêu dùng mọi lứa tuổi và điều này thể hiện trong từng sản phẩm. Chẳng hạn, về các sản phẩm quần áo cho trẻ sơ sinh và trẻ em (do Dệt kim Hà Nội, Hanosimex, một số DN tư nhân sản xuất mang thương hiệu made in Vietnam), có thể nói mặt hàng này được bán rộng khắp trên thị trường, từ các cửa hiệu chuyên bán đồ cho trẻ em cho đến quầy hàng ở ngoài chợ và được hầu hết người tiêu dùng lựa chọn. Một trong những ưu điểm nổi bật của sản phẩm quần áo trẻ em này là đều có mẫu mã đẹp lại được may với chất liệu cốt tông vừa mịn, lại thoáng. May Việt Tiến còn có những sản phẩm cao cấp dành cho "phái mạnh" với lứa tuổi trung niên và giới trẻ… Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, các DN Việt Nam đang nỗ lực lấy lại chỗ đứng trên thị trường, song do đã "bỏ sân" cho hàng ngoại một thời gian khá dài, nên việc trở lại không đơn giản.

Để thành công, tăng tỷ lệ doanh thu nội địa, DN dệt may vẫn phải nỗ lực, nhất là cần chú trọng hơn nữa việc thiết kế, đưa ra những mẫu mã phù hợp, thời trang hơn nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trở lại “sân nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.