Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trợ giúp cộng đồng vượt qua thảm họa thiên nhiên

Vũ Minh| 03/10/2022 07:29

(HNM) - Hiện nay, một bộ phận người dân ở nước ta chịu tác động, ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu hoặc không may là nạn nhân của những sự cố do con người gây ra hay do yếu tố khách quan đưa đến. Trước thực trạng này, các cấp Hội Chữ thập đỏ tăng cường trợ giúp cộng đồng vượt qua thảm họa thiên nhiên, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ khẩn cấp cho người dân ở một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão số 4.

Hoạt động với tinh thần “Vì mọi người, ở mọi nơi”, nên bất cứ ở đâu người dân có nguy cơ bị thiên tai hoặc không may gặp thiên tai, thảm họa, lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ luôn cố gắng hỗ trợ kịp thời. Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh cho biết, gần đây nhất, trước khi bão số 4 (bão Noru) đổ bộ vào nước ta, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã họp bàn, yêu cầu Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố “kích hoạt” hoạt động của mạng lưới đội ứng phó thảm họa, sẵn sàng phương án trợ giúp người dân.

Trong những ngày bão lũ, các đội ứng phó thảm họa vừa tiến hành hỗ trợ người dân theo phương án “4 tại chỗ”, vừa có trách nhiệm thông tin về những khu vực, trường hợp cần trợ giúp khẩn cấp. Trên cơ sở đó, từ ngày 29-9 đến nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiến hành khảo sát và đưa nguồn lực hỗ trợ (hàng hóa, tiền mặt, bình lọc nước…) trị giá hàng tỷ đồng đến với nhiều hộ dân ở một số địa phương thuộc các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Bà Giáp Thị Kim Cúc, ở thôn Phước Ninh, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) xúc động kể, ngôi nhà là tài sản lớn nhất của gia đình bà bị đổ sập do bão, khiến các thành viên rất lo sợ vì không biết cuộc sống sẽ thế nào. May mắn thay, ngay sau khi bão tan, gia đình bà cùng một số hộ dân nơi đây được các cơ quan, đơn vị, trong đó có đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến thăm hỏi, động viên và trao kinh phí hỗ trợ.

Không riêng người dân bị ảnh hưởng bởi bão Noru, theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, những năm gần đây, trung bình mỗi năm, cả nước có gần 1,04 triệu lượt người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa được trợ giúp thông qua mạng lưới Hội Chữ thập đỏ. Nguồn lực trợ giúp đạt trị giá hơn 355 tỷ đồng/năm. Hình thức trợ giúp đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh, mức độ bị tác động, ảnh hưởng.

Nhằm tăng hiệu quả trợ giúp, các cấp Hội Chữ thập đỏ duy trì hoạt động của 37 đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh, thành phố, 671 đội ứng phó thảm họa tại cộng đồng với tổng số hơn 14.000 thành viên là hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ. Lực lượng này thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao năng lực hoạt động. Việc xây dựng, triển khai các chương trình về nhà ở an toàn, nước sạch, vệ sinh trong tình huống khẩn cấp được chú trọng. Thông qua việc ban hành tài liệu hướng dẫn xây dựng cộng đồng an toàn với những tiêu chí dễ nhớ, dễ áp dụng, nhiều người dân biết cách chủ động ứng phó với thiên tai, thảm họa...

Ngoài những chương trình, hoạt động đã triển khai, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho hay, giai đoạn 2022-2025, các cấp Hội Chữ thập đỏ tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thảm họa đến nhóm đối tượng là người già, người khuyết tật, trẻ em; phát triển mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, hệ thống kho hàng cứu trợ, trang thiết bị phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó với thảm họa được xây dựng ở tất cả cấp hội, sẵn sàng tham gia cứu trợ khi có tình huống không may xảy ra. Các giải pháp nhằm phục hồi sinh kế cho người dân sau thiên tai, thảm họa được nhiều bên cùng thực hiện…

Ở cấp cơ sở, mạng lưới Hội Chữ thập đỏ cũng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong hoạt động trợ giúp cộng đồng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thảm họa. Chẳng hạn tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đào Ngọc Triệu cho hay: “Tuyệt đại đa số trường hợp gặp rủi ro trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ kịp thời về nhiều mặt từ tổ chức Hội Chữ thập đỏ, góp phần giúp họ sớm ổn định đời sống. Ngoài ra, mô hình cộng đồng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu được thành phố quan tâm xây dựng, nhân rộng, tạo điều kiện để mỗi người dân có thêm kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trợ giúp cộng đồng vượt qua thảm họa thiên nhiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.