Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trò chơi xúc xắc?

Vy Khanh| 20/07/2011 07:01

(HNM) - Trong cuộc đua trụ hạng đầy căng thẳng và quyết liệt như hiện nay, yếu tố chuyên môn chưa hẳn đã là tiên quyết trong việc xác định đội xuống hạng. Thực chất, cuộc đua này còn bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố bên lề như mối quan hệ của đội bóng với đối thủ, động lực của mỗi bên hay tiền thưởng cho mỗi trận thắng… Chưa bao giờ việc đoán định các suất xuống hạng lại khó khăn đến vậy.

SLNA (phải) đã vượt qua Thanh Hóa với tỷ số 3-2.

Đã lâu rồi, người hâm mộ môn "thể thao vua" mới lại chứng kiến cuộc đua trụ hạng ở V.League quyết liệt đến như vậy. Ở thời điểm này, 5 đội bóng cuối bảng chỉ hơn kém nhau chưa đầy 1 trận thắng nên bất cứ diễn biến hậu trường nào cũng có thể ảnh hưởng mạnh đến cục diện chung. Mà ở bóng đá Việt Nam bao nhiêu năm qua, ai cũng rõ chuyện ngoài sân cỏ tác động mạnh mẽ đến kết quả trong sân như thế nào.

Chẳng hạn, dân xứ Thanh vẫn chưa nguôi giận đội nhà vì trận thua 2-3 khó hiểu trước "người hàng xóm" SLNA. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt cầu thủ trụ cột như thủ môn Mạnh Dũng, tiền đạo Đình Tùng, Quang Vinh đều tìm được những lý do rất hợp lý để xin nghỉ trước trận đấu. Cũng không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều cầu thủ trong đội đã cười khẩy khi lãnh đạo treo thưởng 1,2 tỷ đồng trước trận gặp SLNA, bởi ai cũng hiểu đó chỉ là trò "mỡ treo miệng mèo". Các cầu thủ ngoại như Pape Omar, John Wole hay Rodgers hẳn cũng biết được điều gì đang diễn ra nên họ đã đồng loạt xin ra ngoài khi đội nhà thất thế. Chắc chắn là đã có chuyện hậu trường nào đó rò rỉ trước trận đấu để rồi nhiều cầu thủ biết rằng vào sân cũng chẳng giải quyết được việc gì. Tất nhiên, nhờ 3 điểm từ "trên trời rơi xuống" này mà SLNA dễ thở hơn rất nhiều trong sự đeo bám sít sao của ĐKVĐ HN.T&T.

Ở phía cuối bảng xếp hạng, cuộc chơi cũng không khác là bao. Nhiều người có mặt trên sân Thống Nhất cuối tuần trước đã nói rằng, việc đội cuối bảng ĐT.LA bỗng nhiên giành 3 điểm trước N.SG không hẳn chỉ bởi đội chủ nhà kém may mắn. Chưa bàn đến mối quan hệ khăng khít giữa nhiều lãnh đạo các đội bóng với nhau mà ngay cả các cầu thủ khi ra sân cũng trĩu nặng nhiều mối suy tư. Những tin nhắn mà "người anh em" ở phía đối thủ nhờ vả mấy ngày trước, thậm chí, ngay cả trên sân cũng có khi vừa đá vừa xin đối thủ "nương chân" khiến cho nhiều cầu thủ canh cánh trong lòng. Lại cũng có người nắm bắt được thông tin liền "ăn theo" giới cá độ bên ngoài để kiếm tí chút. Ngay ở trận thua đậm nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, Nam Định bị Than Quảng Ninh hạ ngay trên sân Thiên Trường với tỷ số 2-10, thì cũng rất ít người tin vào lời giải thích của đội bóng này, rằng sai lầm chiến thuật, cầu thủ kém cỏi. Trong bất cứ trường hợp nào, chắc chắn không có chuyện một đội bóng như Than Quảng Ninh lại đủ sức ghi đến 10 bàn trên sân Thiên Trường. Nhiều người vẫn nhớ chuyện vài năm trước, một số đội bóng Việt Nam đi đá ở cúp châu Á thường xuyên thua những trận bất thường, từ 0-7, 0-8, 1-9 rồi đến cả 0-15. Tìm hiểu ra mới biết, rất nhiều cầu thủ đã "trúng quả đậm" từ những tỷ số lạ lùng như thế.

Thế nên, bóng đá ở ta, nhiều khi kết quả của mỗi trận đấu, mỗi giải đấu giống như trò chơi xúc xắc. Bề ngoài có vẻ mang tính ngẫu nhiên, nhưng với những tay bạc già biết cách ăn gian thì giờ là lúc để ra tay. Vấn đề chỉ là "giám khảo" VFF có đủ trình độ và quyết tâm để ngăn chặn những trò "đi đêm" như thế không?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trò chơi xúc xắc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.