Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trò chăm ngoan, thầy mẫu mực

Thống Nhất| 09/06/2018 07:06

(HNM) - Từ năm học 2012-2013, bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh” đã được đưa vào giảng dạy đại trà tại các nhà trường trên địa bàn Hà Nội.

Học sinh Trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm) trong giờ học nếp sống thanh lịch, văn minh.


Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh” được đưa vào dạy cho học sinh ở cả ba cấp tiểu học, THCS, THPT theo hình thức tích hợp với các môn học và hoạt động ngoại khóa. Ngoài việc giúp học sinh hiểu thế nào là “thanh lịch, văn minh”, bộ tài liệu còn định hướng, chỉ dẫn học sinh về hành vi trong sinh hoạt, học tập, giao tiếp, ứng xử để trở thành người thanh lịch, văn minh.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá: Việc giảng dạy bộ tài liệu đã tác động tích cực đến ý thức, hành vi của học sinh. Học sinh Thủ đô không chỉ học giỏi, mà còn gây ấn tượng với bạn bè của các tỉnh, thành phố và bạn bè quốc tế về ý thức, lối ứng xử tự tin, sống có trách nhiệm và biết đồng cảm, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.

Khi được hỏi về bộ tài liệu, em Nguyễn Thanh Hùng (Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm) hào hứng: Em và các bạn cùng lớp luôn háo hức trước mỗi giờ học, nhất là với nội dung xử lý tình huống và liên hệ thực tế. Mặc dù có cùng chủ đề, nhưng ở cấp tiểu học chúng em được chỉ dẫn về cách ăn mặc, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, với môi trường... bằng những ví dụ minh họa đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ.

Đến cấp THCS, các bài học tập trung nhiều hơn vào việc định hướng hành vi của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Với cách tiếp cận như vậy, chúng em không chỉ học được cách ứng xử sao cho đúng, mà còn biết cách ứng xử đẹp.

Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, việc đưa bộ tài liệu vào giảng dạy giúp khắc phục được cơ bản những hành vi chưa chuẩn mực trong học sinh. Trước đây, Trường THPT Trương Định có nhiều học sinh vi phạm Luật Giao thông, hay đánh nhau, hút thuốc... Tuy nhiên, 2 năm gần đây, số học sinh vi phạm giảm hẳn.

"Những kiến thức, kỹ năng được trang bị qua bộ tài liệu không chỉ giúp các em khắc phục nhược điểm, mà còn là chìa khóa để học sinh tự mở cánh cửa văn hóa, hiểu hơn những nét đẹp truyền thống của con người Hà Nội, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào trong các em về mảnh đất quê hương." - cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà nhận định.

Không chỉ tác động đến học sinh, việc nghiên cứu, soạn giảng, tìm tư liệu và xây dựng tình huống cho mỗi câu chuyện, mỗi bài học còn giúp các thầy, cô giáo ngày càng hoàn thiện mình. Theo cô giáo Lê Thị Dung, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, từ việc định hướng, giáo dục học sinh, sau mỗi bài học, mỗi giáo viên đều có ý thức đổi mới, mong muốn mình đẹp hơn trong mắt học trò về cả hình thức và nhân cách.

Với cách tiếp cận như vậy, trong quá trình triển khai đề án nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện những năm qua, ngành Giáo dục huyện Thanh Trì đặt nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường hiệu quả giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh. Đó cũng là cách để thầy, cô giáo nỗ lực tu dưỡng, hoàn thiện, trở thành những nhà giáo có phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, xứng đáng là tấm gương để học trò noi theo.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy (Trường THPT Sơn Tây, thị xã Sơn Tây) cho rằng, bộ tài liệu là sự cụ thể hóa các cuộc vận động lớn của ngành, như "Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch", "Trường học thân thiện, học sinh tích cực"...

Những chuyển biến tích cực của học trò sau mỗi bài học đã đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức của con em mình. Điều đó lý giải vì sao cả phụ huynh và thầy, trò ngành Giáo dục Thủ đô đều mong muốn bộ tài liệu được tái bản, tiếp tục đưa vào giảng dạy tại các nhà trường trong những năm học tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trò chăm ngoan, thầy mẫu mực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.