(HNM) - Dù vụ phóng tên lửa tầm trung mới nhất của Triều Tiên được cho là đã thất bại nhưng động thái này đã khiến cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên càng trở nên khó kiểm soát. Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng vì cho rằng hành động của Triều Tiên có tính gây hấn và đe dọa an ninh tại khu vực.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về một cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên trong năm 2016. |
Theo nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc, tên lửa được phóng thử ngày 31-5 có thể là loại tên lửa tầm trung Musudan, nhưng nhiều khả năng nó đã nổ ngay sau khi rời bệ phóng. Tên lửa Musudan được Triều Tiên triển khai từ năm 2007, có tầm bắn khoảng 4.000km, tức là về lý thuyết có thể vươn tới các mục tiêu ở Nhật Bản cũng như các cơ sở quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cho đến nay, các vụ thử tên lửa Musudan của Bình Nhưỡng đều không thành công. Lần thử mới nhất này được thực hiện ngay sau khi Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức Đại hội lần thứ 7 đã đẩy những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên một mức cao mới.
Trong khi Hàn Quốc nghi ngờ chính quyền Bình Nhưỡng đang chuẩn bị vụ thử hạt nhân tiếp theo. Cả Seoul và Tokyo đều cho biết sẽ giám sát chặt chẽ các động thái từ Bình Nhưỡng và sẽ có hành động đáp trả nếu cần thiết. Theo nguồn tin quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã triển khai một số lượng chưa thể xác định tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan trên các bệ phóng di động ở khu vực bờ biển Wonsan, phía Đông nước này. Trước tình hình đó, Nhật Bản đã đặt quân đội trong tình trạng báo động, đồng thời điều tàu khu trục và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot sẵn sàng bắn hạ bất cứ vật thể bay nào hướng về phía lãnh thổ Nhật Bản. Tình trạng báo động vẫn được duy trì ngay cả sau khi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã thất bại.
Trong khi đó, lên án mạnh mẽ vụ thử tên lửa không thành của Triều Tiên, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt tất cả các vụ thử hạt nhân, cũng như tên lửa đạn đạo và tuân thủ nghiêm nghị quyết của LHQ. HĐBA cũng kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ "tăng gấp đôi nỗ lực để thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt" đối với Triều Tiên được đưa ra tháng 3 vừa qua. LHQ khẳng định sẽ chỉ đạo Ủy ban về lệnh trừng phạt của LHQ tăng cường làm việc và kêu gọi tất cả các chính phủ báo cáo sớm về các biện pháp cụ thể nhằm triển khai các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Lệnh trừng phạt của LHQ cũng đặt thời hạn 90 ngày để các thành viên cắt đứt quan hệ với các tổ chức tài chính của Triều Tiên.
Cùng thời điểm này, Bộ Tài chính Mỹ cũng tuyên bố sẽ đóng lại cánh cửa, ngăn chặn Triều Tiên tiếp cận tới hệ thống tài chính toàn cầu. Washington sẽ chặn mọi hoạt động tài chính của hệ thống ngân hàng và các công ty Mỹ có giao dịch với Bình Nhưỡng. Các ngân hàng ở Mỹ từ lâu đã bị cấm "làm ăn" với các tổ chức tài chính của Triều Tiên. Tuy nhiên, thông báo mới này yêu cầu bản thân các ngân hàng Mỹ phải chủ động tránh quan hệ kinh tế với các doanh nghiệp Triều Tiên hay Chính phủ Bình Nhưỡng, kể cả là thông qua các công ty vỏ bọc.
Về phần mình, dù phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt và cấm vận ngày một ngặt nghèo, Triều Tiên vẫn khẳng định quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân. Ông Ri Su Yong, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, tuyên bố Bình Nhưỡng không có kế hoạch từ bỏ chương trình phát triển nguyên tử.
Rõ ràng, những diễn biến hiện nay cho thấy "sức nóng" ở Đông Bắc Á dường như vẫn chưa giảm nhiệt mà ngược lại đang đẩy sự đối đầu lên nấc thang mới, tạo tâm lý bất an cho hòa bình và an ninh tại khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.