Với sự giúp đỡ của Europol, cảnh sát Italia đã triệt phá một mạng lưới tội phạm có tổ chức và tiến hành bắt giữ 4 cá nhân bị buộc tội làm giả đồng euro.
Cuộc điều tra bắt đầu từ ngày 10-4-2021, sau khi lực lượng Hiến binh Italia bắt giữ 2 người sở hữu 668 đồng xu 2 euro giả. Các cuộc điều tra cho thấy, tiền giả đã được phân phối tại nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Lithuania, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Nhà chức trách đã tiến hành 12 cuộc khám xét nhiều địa điểm khác nhau ở Italia, đặc biệt tại các thành phố Taranto, Rome, Matera và Perugia.
Cơ quan thực thi pháp luật đã phát hiện tổ chức tội phạm này hoạt động thông qua một “nhà cung cấp” chịu trách nhiệm một kênh trên ứng dụng nhắn tin. "Nhà cung cấp" này đã bán đồng xu euro giả với giá bằng nửa giá trị tiền thật và chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử. Các thành viên còn lại của tổ chức chịu trách nhiệm vận chuyển tiền giả cho người mua thông qua dịch vụ bưu chính quốc tế tư nhân.
Các nhà điều tra đã theo dõi 60 bưu kiện đựng tiền xu 2 euro giả trị giá 102.000 euro (tương đương 110.121,75 USD). Những bưu kiện này được gửi đến một số quốc gia như Italia, Pháp và Thụy Sĩ. Nhà chức trách cũng đã thu giữ 107.000 bitcoin, cùng tiền giả và một bộ phận của máy ép tiền xu được sử dụng để sản xuất tiền giả.
Europol cho biết: “Việc được chấp nhận trên toàn cầu như một loại tiền tệ ổn định với tỷ lệ lạm phát thấp khiến đồng euro trở thành loại tiền tệ hấp dẫn đối với những kẻ làm tiền giả”.
Những kẻ làm giả sử dụng thiết bị và công nghệ in đặc biệt, khiến tiền giả trở nên rất khó phân biệt với tiền thật. Theo Europol, tiền giấy 20 euro vẫn là mệnh giá phổ biến nhất đối với những kẻ làm giả, tiếp theo là tờ 50 euro.
Châu Âu không phải là khu vực duy nhất bị ảnh hưởng bởi tiền giả. Tháng 6-2023, cảnh sát Brazil đã triệt phá một tổ chức tội phạm làm giả khoảng nửa tấn tiền với giá trị hơn 700.000 USD.
Công nghệ ngày nay tương đối rẻ và dễ tiếp cận, tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những kẻ làm tiền giả. Tiền bị làm giả sẽ gây lạm phát vì làm giảm giá trị của đồng tiền thật, dẫn đến tổn thất tiền tệ cho các công ty và cá nhân, theo báo cáo của Interpol.
“Cũng có mối liên hệ đã được chứng minh với các mạng lưới tội phạm có tổ chức sử dụng tiền giả để tài trợ cho những hoạt động bất hợp pháp như buôn bán người và ma túy, thậm chí cả khủng bố”, báo cáo nêu rõ.
Interpol nhấn mạnh, “làm giả tiền tệ là một vấn đề không thể giải quyết chỉ thông qua các cơ quan thực thi pháp luật, mà phải có sự hợp tác của các cơ quan phát hành tiền tệ, ngân hàng trung ương và ngành in ấn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.