Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2023: Nhiều dự báo lạc quan

Hoàng Linh| 07/03/2023 06:33

(HNM) - Bất chấp những khó khăn, năm 2023, Trung Quốc vẫn được giới chuyên môn dự báo sẽ là giai đoạn tăng trưởng tích cực khi nước này thoát khỏi bóng đen của Covid-19, từng bước bình thường hóa đời sống xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Ninh Ba - Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).

Trong báo cáo công tác Chính phủ do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) khóa XIV sáng 5-3, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023. Nền kinh tế số một châu Á cũng đặt mục tiêu tỷ lệ thâm hụt ngân sách tính trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2023 dự kiến vào khoảng 3%, tỷ lệ lạm phát trong năm 2023 vào khoảng 3%.

Người phát ngôn của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân toàn Trung Quốc (Chính hiệp) Quách Vệ Dân cũng khẳng định, các đại biểu Chính hiệp nhận định, nền kinh tế nước này vẫn “kiên cường, đầy tiềm năng và sức sống”.

Giới chuyên môn đánh giá, sự lạc quan là có căn cứ, trong bối cảnh nền kinh tế số một châu Á đã tăng trưởng 3% trong năm 2022, bất chấp các tác động ngoài dự kiến như: Môi trường toàn cầu phức tạp, đại dịch Covid-19, thiên tai... Từ đầu năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua dịch bệnh, từng bước đưa sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội trở lại bình thường. Theo dữ liệu ngày 1-3 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tăng lên mức 52,6 điểm trong tháng 2, cao nhất kể từ tháng 4-2012. Chỉ số PMI dịch vụ cũng tăng vượt dự báo lên 56,3 điểm, cho thấy tốc độ phục hồi nhanh hơn hậu làn sóng dịch năm 2020.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Societe Generale (Pháp) dự báo, tăng trưởng GDP Trung Quốc năm nay có thể đạt 5,8%, với động lực lớn là việc thị trường bất động sản phục hồi. Con số trên 5% tương đồng với dự báo của các ngân hàng lớn khác như: Citi, Morgan Stanley, HSBC, JP Morgan. “Bi quan” nhất là Oxford Economics hay S&P cũng nhận định “đáy” tăng trưởng không thấp hơn 4,5%. Theo Chính phủ Trung Quốc, quy mô thị trường, hệ thống công nghiệp và nguồn nhân lực vững chắc là những yếu tố bảo đảm sức bật của nền kinh tế, dù môi trường phát triển đang rất phức tạp và khó khăn.

Để bảo đảm tương lai vững chắc, Bắc Kinh sẽ triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó chú trọng thu hút và tận dụng đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là mở rộng việc tiếp cận thị trường, tiếp tục mở cửa các lĩnh vực dịch vụ hiện đại, cải thiện dịch vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án then chốt có nguồn tài chính nước ngoài. Trung Quốc cũng có kế hoạch thực hiện các bước đi tiếp theo để gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như các thỏa thuận kinh tế và thương mại chất lượng cao khác, kết hợp thúc đẩy vững chắc việc mở cửa về thể chế bằng cách chủ động thực hiện các quy tắc, quy định, sự quản lý và tiêu chuẩn liên quan. Trong báo cáo tiền tệ mới nhất, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) khẳng định, sẽ hỗ trợ “bền vững” cho nền kinh tế theo hướng trọng tâm và trọng điểm.

Những nỗ lực nêu trên rất quan trọng, bởi các ý kiến phân tích chỉ ra rằng, vẫn có những “làn gió ngược” làm chậm đà tiến của nền kinh tế Trung Quốc. Trong ngắn hạn, đó là căng thẳng địa chính trị, cuộc cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cũng như tác động lan tỏa từ các điều chỉnh chính sách ở các nền kinh tế lớn khác, trong khi đà phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa cải thiện. Về dài hạn, dân số lão hóa và tổng năng suất lao động tăng chậm lại… sẽ phủ bóng.

Dù thế nào, những dự báo lạc quan về phục hồi và tăng trưởng trong thời gian trước mắt của Trung Quốc vẫn là tín hiệu lạc quan, bởi một khi trở thành hiện thực sẽ là tiền đề quan trọng, động lực thúc đẩy phát triển khu vực và toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2023: Nhiều dự báo lạc quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.