Thị trường

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%

Lam Giang 29/12/2023 - 12:18

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%.

29.12.jpg
Các siêu thị chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2024.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng cuối năm diễn ra sôi động, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 12-2023 ước đạt 565,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV-2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%).

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2023 ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Cụ thể, nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 14,4%; lương thực, thực phẩm tăng 11,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,5%; may mặc tăng 7,1%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 1,4%.

Một số địa phương có mức tăng cao là Quảng Ninh tăng 12,2%; Bình Dương tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10,4%; Đồng Nai tăng 9,1%; Cần Thơ tăng 8,4%....

Đánh giá về thị trường trong nước năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, sức mua phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đã vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%).

Điểm nổi bật còn là hoạt động thương mại điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng, lưu thông trong và ngoài nước.

Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, thuộc nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (25%/năm), tạo động lực cho phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường, giá cả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.