Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển lãm tranh của danh họa Trần Văn Cẩn

ANHTHU| 25/07/2004 11:09

Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh và 10 năm ngày mất của danh họa Trần Văn Cẩn, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kết hợp với gia đình họa sĩ tổ chức cuộc triển lãm các tác phẩm ông đã sáng tác trên các chất liệu: sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ, trực họa ( vẽ bằng màu nước, bút chì, bút sắt, pastel). Triển lãm sẽ được khai mạc vào ngày 28-7, trưng bày hơn 100 tác phẩm...

Danh họa
Trần Văn Cẩn

Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh và 10 năm ngày mất của danh họa Trần Văn Cẩn, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kết hợp với gia đình họa sĩ tổ chức cuộc triển lãm các tác phẩm ông đã sáng tác trên các chất liệu: sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ, trực họa ( vẽ bằng màu nước, bút chì, bút sắt, pastel). Triển lãm sẽ được khai mạc vào ngày 28-7, trưng bày hơn 100 tác phẩm, phần lớn là tranh sơn dầu vẽ theo đề tài chân dung, phong cảnh, ký họa kháng chiến, lao động sản xuất.

Trong đó có bức Em Thúy nổi tiếng mới được Bảo tàng Mỹ thuật VN hoàn tất việc tu sửa phục chế vào cuối tháng 6 vừa qua. Đặc biệt triển lãm lần đầu tiên công bố các bức ký họa về lao động sản xuất của họa sĩ sau này đã được ông dùng để xây dựng thành các tác phẩm sơn mài tiêu biểu như Mưa mai trên sông Kiến, Tát nước đồng chiêm, Thằng cu đất mỏ, Nữ dân quân vùng biển.

Danh họa Trần Văn Cẩn sinh ngày 13-8-1910 tại xã Tiên Phong, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh). Ông học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1931-1936. Tuy học chuyên về sơn dầu, nhưng ông không bỏ qua những chất liệu thuần túy dân tộc đã được một số sinh viên lớp trước khởi xướng như lụa với Nguyễn Phan Chánh, sơn mài với Trần Quang Trân, Nguyễn Gia Trí. Năm 1943, hai tác phẩm Em Thúy (sơn dầu ) và Gội đầu ( khắc gỗ) của ông gửi tham gia phòng tranh FARTA tại nhà Khai Trí Tiến Đức đã giành giải thưởng.

Tát nước đồng chiêm - tranh sơn mài của Trần Văn Cẩn

Ông cũng là một trong số những họa sĩ tích cực tham gia phong trào văn hóa cứu quốc. Ngay trong thời kỳ Nhật đảo chính Pháp, ông vẽ áp phích cùng họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Ba bức áp phích lớn của ông Phá xiềng; Cứu nông dân, trừ giặc đói; Ba Kỳ thống nhất đã được Hội Văn hóa Cứu quốc bày tại phòng gương Nhà hát Lớn khi Trần Trọng Kim vẫn nắm giữ chính phủ bù nhìn. Trong những ngày Cách mạng tháng Tám, một bức áp phích lớn khác của ông mang tên Nước Việt Nam của người Việt Nam được bày trên nóc tòa nhà Ngân hàng.

Năm 1946, trong triển lãm mỹ thuật đầu tiên của đất nước sau ngày độc lập, bức tranh lụa Xuống đồng, được vẽ trên cơ sở những chuyến đi ký họa thực tế đã được trao giải nhất và đã được Hội Văn hóa Cứu quốc mua lại. Trong khoảng thời gian 1955 đến 1964, ông còn kiêm công tác quản lý với cương vị hiệu trưởng nhà trườnglúc này đã đổi tên là trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam) bên cạnh việc tiếp tục đào tạo những thế hệ họa sĩ tương lai phục vụcuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng CNXH của dân tộc.

Với những đóng góp và uy tín ngày càng nhiều, ông được đồng tín nhiệm bầu là Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957 đến 1983, là vị tổng thư ký có nhiệm kỳ dài nhất của hội. Ông còn tiếp tục là chủ tịch Hội nghệ sĩ tạo hình VN khóa hai 1983-1987. Họa sĩ Trần Văn Cẩn là một nghệ sĩ tài năng, đôn hậu, nhưng đối với nghề nghiệp ông lại là một nghệ sĩ năng động, luôn luôn sáng tạo, nhạy cảm trước hiện thực của cuộc sống. Ông luôn suy nghĩ về hiện trạng và tương lai của mỹ thuật Việt Nam. Không những bằng sáng tác mà ông còn viết trên các báo Nhân dân, Văn nghệ, Mỹ thuật, Tác phẩm mới..., để khẳng định con đường đi của mỹ thuật. Với những đóng góp to lớn của ông, Nhà nước đã trao tặng ông nhiều huân chương và phần thưởng cao quí: Huân chương Kháng chiến, Huân chương Độc lập hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về Văn học nghệ thuật. Họa sĩ Trần Văn Cẩn và tác phẩm của ông sẽ mãi mãi là một trong những đỉnh cao của lịch sử hội họa Việt Nam.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Triển lãm tranh của danh họa Trần Văn Cẩn

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.