(HNM) - 409 tác phẩm được cho là xuất sắc, tiêu biểu nhất của Mỹ thuật Việt Nam 5 năm qua đang trưng bày tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (2 Hoa Lư, Hà Nội) đã phản ánh diện mạo và các vấn đề trong hoạt động sáng tác và phát triển mỹ thuật hiện nay.
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam là tên mới của Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức 5 năm một lần, nhằm tổng kết một chặng đường sáng tác của giới mỹ thuật, cũng là để "báo cáo" với công chúng những thành tựu mà ngành mang lại cho đời sống văn hóa tinh thần.
Tham quan Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Ảnh: Khánh Huy |
Triển lãm năm nay vẫn được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam - địa điểm nhiều lần bị giới chuyên môn và công chúng phàn nàn là không đủ tiêu chuẩn cho sự kiện quy mô, thế nhưng BTC cũng có những cải thiện nhất định. Đầu tiên là số lượng tác phẩm chọn triển lãm giảm một nửa so với kỳ trước. Có đến 4.076 tác phẩm được gửi đến tham dự, nhưng Hội đồng nghệ thuật chỉ chọn 1/10, tức là 409 tác phẩm để trưng bày. Trong đó, hội họa vẫn chiếm nhiều nhất, tới 274 tác phẩm, chuyên ngành đồ họa là 62 tác phẩm, video art 7 tác phẩm, tượng tròn 53 tác phẩm, phù điêu 4 tác phẩm, tượng đài 1 tác phẩm, nghệ thuật sắp đặt 8 tác phẩm. Cả ba tòa của trung tâm được tận dụng để triển lãm, vì vậy tác phẩm được đặt thưa, thoáng, giúp khán giả có đủ không gian thưởng thức mà không bị rối mắt.
BTC cũng cam kết đã làm việc với trung tâm để dành toàn bộ cho Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam trong thời gian mở cửa. Lực lượng trực và cán bộ tiếp đón công chúng, đại diện các bảo tàng hay nhà sưu tập… cũng được tăng cường và có chuyên môn hơn. Đây là tín hiệu tốt hướng đến phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng.
5 năm là một chặng đường đủ để những tài năng trưởng thành, những nhân tố mới xuất hiện và đánh giá được diện mạo của mỹ thuật đương đại. Một nhận định chung được Hội đồng nghệ thuật đưa ra về triển lãm này: Về hội họa có vẻ đang lúng túng trong việc tìm tòi hình thức biểu cảm mới. Đồ họa thì khẳng định được các giá trị và có những thành công đáng ghi nhận. Điêu khắc thì ở triển lãm này không bộc lộ hết sự phát triển bởi số lượng tham gia không nhiều, nhưng đang phát triển tốt, hướng tới cộng đồng, không gian sống, môi trường sống của con người. Các thể loại video art, sắp đặt… ít dần và hạn chế về chất lượng.
Để lý giải những nhận định trên, thành viên Hội đồng nghệ thuật cho rằng: Hội họa có chiều hướng phô diễn kỹ thuật mỹ nghệ, để dễ bán, dễ đoạt giải. Còn đồ họa, bước tiến mới là do biết chú ý đến cấu trúc hình thể và kỹ thuật, các tác phẩm đều chắc chắn, sánh được với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Các loại hình nghệ thuật đương đại như video art, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, sau thời gian nghệ sĩ hồ hởi sáng tạo thì nay thấy… khó phù hợp với môi trường nghệ thuật trong nước (tác phẩm khó bán, ít được trưng bày ở bảo tàng, công chúng không nhiều) nên ít dần.
Qua một vòng triển lãm, nhất là phần trung tâm trưng bày những tác phẩm được giải, người xem bắt gặp không thiếu những điều lặp lại, sao chép từng phần của chính họ hoặc mỹ thuật đã có. Điều này, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, thành viên Hội đồng nghệ thuật cũng có nhận xét: "Sự lựa chọn tác phẩm tham gia trưng bày còn cứng nhắc về tiêu chí, sợ đụng chạm, sợ phê phán, sợ nêu ra những tiêu cực xã hội". Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng: "Cái mới, cái khác ở triển lãm này vẫn chưa nhiều. Người trẻ hăm hở, khả năng nghề nghiệp tốt lên, sử dụng công nghệ thuần thục nhưng tiếng nói nghệ thuật lại chưa cao. Những thay đổi rất chậm, phải nhìn sâu vào từng tác giả thấy có bộc lộ khả năng mới nhưng cái bứt phá chưa thấy".
Triển lãm có sự xuất hiện của những tác giả lớn tuổi, kỳ cựu như Phan Kế An (92 tuổi), Trần Huy Oánh, Đinh Trọng Khang, Tạ Quang Bạo… Tuy nhiên, tác phẩm của các thế hệ 7X, 8X, 9X mới đáng chú ý bởi họ được trao sứ mệnh lật trang mới cho mỹ thuật Việt Nam. Nghệ sĩ trẻ tham gia đông đảo, nhưng lại vắng nhiều người nổi đình đám ngoài xã hội. Có thể vì thế, cảm giác mỹ thuật Việt Nam nhìn từ triển lãm này như đang tĩnh lại, chuyển động chậm, có độ lùi cần thiết. Hy vọng, sau sự "tĩnh lại" thì có những giá trị mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.