(HNMO)- Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tại Viện Goethe Việt Nam (56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) sẽ trưng bày triển lãm “Cái nhìn của Người Phụ nữ”, gồm tác phẩm của 8 nữ họa sỹ: tranh, điêu khắc, sắp đặt và video.
sẽ khai mạc vào chiều 7/3/2014.
Nghệ sỹ luôn cho chúng ta một cách nhìn thế giới từ một góc độ mới, mở cho chúng ta một con đường khác để đón nhận thông tin. Phụ nữ, thậm chí còn bổ sung thêm một chiều sâu hơn cho cách nhìn ấy, tuy thế các tác phẩm của họ cũng chỉ gần đây mới được tôn vinh công khai trong xã hội đương đại. Với triển lãm này, phụ nữ được tôn vinh như chính bản thân họ, với những gì họ làm và cách họ nhìn thế giới.
Ấn tượng mà phụ nữ mang lại trong sự sáng tạo và phá bỏ là những gì tạo nên sự khác biệt. Rất nhiều trong số các tác phẩm ở đây là dựa trên ký ức – tạo cảm hứng từ truyền thống lịch sử, những kỹ năng, nghệ thuật thủ công và nghi lễ cổ xưa.
Tranh của họa sỹ Đinh Thị Thắm Poong. |
Đinh Thị Thắm Poong, được biết đến với các tác phẩm trên giấy Dó, đến với triển lãm này bằng bộ ba tranh sơn mài - một chất liệu truyền thống khác của Việt Nam – bộ tranh khám phá cảm xúc và những mối quan hệ thân thiết, như tạo nên một tấm gương phản chiếu phần nội tâm sâu nhất. Nghệ sỹ đưa ra những cuộc đối thoại luôn được ẩn giấu giữa những người yêu nhau bằng phong cách vẽ các tầng lớp giữa các nhân vật – một biện pháp ẩn dụ rất hợp với kỹ thuật hình ảnh tầng lớp của sơn mài – với tác phẩm này, Bên nhau, cô suy ngẫm rằng, có hữu ích hay không khi đặt câu hỏi “mình kết thúc ở đâu và ta bắt đầu ở đâu?”.
Phi Phi Oanh, một phụ nữ Việt Nam sinh ra tại Mỹ, cũng chọn sơn mài nhưng không giống như Thắm Poong, Phi Phi Oanh sử dụng góc nhìn từ một người bên ngoài để đem đến cho chúng ta một cách nhìn khác biệt. Áo Giáp, tác phẩm sơn mài kết hợp giữa áo giáp, một mặt nạ và mũ cối, thể hiện hình khối thực tế của một bộ áo giáp thật sự mà chúng ta đều mặc để tự bảo vệ cái tôi của bản thân không bị ảnh hưởng bởi thế giới bất trắc và mâu thuẫn này. Phi Phi Oanh mới đây đã thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới với tác phẩm đồ sộ Specula đang được giới thiệu tại triển lãm nghệ thuật Singapore Biennale 2013.
Tác phẩm của nghệ sỹ Maritta Nurmi. |
Một góc nhìn từ bên ngoài khác, là từ nghệ sỹ Maritta Nurmi, một nghệ sỹ đến từ Phần Lan và đã ở Việt Nam hơn 20 năm, với một tác phẩm có lẽ là thể hiện tính nữ cụ thể nhất, một chiếc bình gốm to như người thật, một hình khối mềm mại nữ tính, thể hiện trên bề mặt của nó tấm bản đồ của đời sống nội tâm họa sỹ, ghi chép lại những vinh quang và khổ đau. Tên của tác phẩm, hãy giữ những giấc mơ như chiếc đĩa sứ trong tay bạn, cho ta thấy tác giả, cũng như chiếc bình đất sét ấy, đã vươn lên qua thử thách từ ngọn lửa, vững mạnh và dễ vỡ, buồn bã và hân hoan.
Tranh của Nguyễn Thị Châu Giang. |
Nguyễn Thị Châu Giang, trong tác phẩm bằng lụa tiêu biểu của mình, tiếp nối sự khám phá quá trình duy trì cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và xã hội. Bên trong ta, là một bức tranh lụa hai mặt với kỹ thuật sáng tạo, sử dụng hình ảnh một phụ nữ và con rồng, mỗi hình ảnh chiếm lĩnh một mặt của cùng một tấm lụa – thể hiện những đấu tranh nội tâm không bao giờ được giải tỏa, làm sao giữ cân bằng giữa hai cột mốc của nữ tính và nam tính.
Nguyễn Hữu Trâm Kha là một họa sỹ trẻ đang vươn lên lặng lẽ trong làng nghệ thuật Việt. Sắp đặt của cô, “Sự Ẩn dụ” giàu tính ấn tượng và khả năng truyền tải. Tác phẩm bao gồm hàng trăm tấm phim chụp X quang đan lại với nhau để tạo ra một tấm chăn ký ức. Cấu trúc nữ tính của câu chuyện được thể hiện với ấn tượng phảng phất và ám ảnh, trong đó dường như có rất nhiều điều được hé lộ qua và cũng có rất nhiều điều vẫn còn là bí ẩn.
Tượng đồng của họa sỹ, nhà thơ Nguyễn Thị Chinh Lê. |
Sắp đặt tượng đồng của nhà điêu khắc nghiên cứu Phật học và Thiền/họa sỹ/nhà thơ Nguyễn Thị Chinh Lê phản chiếu chất thơ cô cảm nhận trong khoảng trống của đời người. Với tác phẩm gồm 12 tượng đồng, Những Thực Khách, đang ngồi trước một bàn tiệc tưởng tượng, gợi nhớ những ký ức xưa kia từ khi cô còn là cô bé, những câu chuyện của giới nghệ sỹ cô đã được nghe và bây giờ chính cô đang kể tiếp. Những bức tượng đồng, vừa tinh tế vừa mạnh mẽ, thấm đẫm trí tuệ của người nghệ sỹ. Cô nhắc nhở người xem về khoảng trống trước mặt các vị khách – đó là ký ức của chúng ta về thời gian đã qua đồng thời cũng là gợi mở về những gì sẽ tới.
Một điều thú vị là trong tất cả các nghệ sỹ được giới thiệu ở đây, Vũ Kim Thư là họa sỹ thể hiện góc nhìn khác biệt nhất trong tác phẩm của mình. Được tạo cảm hứng từ chuyến lưu trú sáng tác tại Udatsu, Nhật Bản, Thư đã vẽ một bản đồ cảnh quan của những mái ngói và những căn nhà truyền thống của ngôi làng lên bề mặt của một chiếc đèn lồng bằng giấy washi Nhật Bản. Được biết đến với những bản vẽ phức tạp và tinh tế, Thư đã thành công trong việc dùng góc nhìn từ trên cao nhìn xuống để mô tả một nền văn hóa khác. Hoài niệm những mái ngói cổ của Hà Nội, nữ nghệ sỹ đã vượt qua ranh giới văn hóa và tạo ra một tác phẩm mang tính toàn cầu. Nhà làm phim Jean-Luc Godard đã nói: “Quan trọng không phải là bạn xuất phát từ đâu – mà là bạn đi tới đâu.”
Trinh Thi, người sáng lập và là giám đốc của Doblab, một trung tâm độc lập về phim tài liệu và video art tại Viện Goethe, Hà Nội, đem đến cho triển lãm một tác phẩm hợp tác được thực hiện trong workshop của Doclab, Hãy ca tụng những phụ nữ nổi tiếng, bộ phim khám phá những khía cạnh khác nhau về lao động tại Việt Nam. Bộ phim không phải là để tạo ra một hình mẫu của phụ nữ lao động đương đại. Trái lại, nó ca ngợi từng cá nhân trong mỗi một công việc của họ. Hãy ca tụng những phụ nữ nổi tiếng gợi cho người xem nghĩ đến bản tính của mình trong bộ mặt của một xã hội công nghiệp hóa. Tại Việt Nam các tác phẩm video đang dành được vị trí của mình và Trinh Thi thì đang nhận được những sự quan tâm trên toàn thế giới với các tác phẩm của cô. Tác phẩm gần đây của Trinh Thi “Vô đề”, video với những hình ảnh người với kích thước như thật, chiếu trên các tấm gỗ cắt hình người, được trình bày như một ẩn dụ cho những câu hỏi về tự do thể hiện, đã được chiếu tại Singapore Biennale 2013.
Các nữ nghệ sỹ của chúng tôi đã tạo nên một bộ sưu tập những cái nhìn về cuộc đời, nghệ thuật, nữ tính và vị trí độc đáo của chính họ trên thế giới. Tôi vô cùng cảm kích các nghệ sỹ đã tham gia triển lãm này và cũng xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Tiến sỹ Almuth Meyer-Zollitsch và Viện Goethe đã tạo cơ hội để trưng bày những sắc thái tuyệt vời cho thấy ý nghĩa của việc làm một người phụ nữ, từ cái nhìn của chính người phụ nữ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.