Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai toàn diện nhiệm vụ đối thoại với nhân dân

Võ Lâm| 06/06/2017 05:50

(HNM) - Ngày 25-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký Quyết định số 2200-QĐ/TU ban hành Quy chế Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong một buổi tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân thành phố. Ảnh: Anh Quý


Đối thoại trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích nhân dân

Theo Quy chế, thông qua tiếp xúc, đối thoại, cấp ủy, chính quyền trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến, phản ánh, kiến nghị của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố; đồng thời tiếp nhận, chỉ đạo, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Một trong những nguyên tắc chủ yếu khi tiếp xúc, đối thoại là bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm, với tinh thần xây dựng vì lợi ích của nhân dân. Quy chế của Thành ủy Hà Nội cũng nêu rõ: Nghiêm cấm việc lợi dụng tiếp xúc, đối thoại để làm trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc đưa ra những thông tin không đúng, không có căn cứ nhằm vu cáo, đả kích, bôi xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, người chủ trì tiếp xúc, đối thoại có quyền từ chối đối thoại với những người không có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định, người có hành vi gây rối trật tự công cộng…

Việc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện định kỳ hằng năm, tiến hành thường xuyên qua các hội nghị tiếp xúc cử tri và tổ chức đột xuất theo yêu cầu thực tiễn công tác đặt ra. Đặc biệt, Quy chế quy định rõ thời hạn thực hiện những nhiệm vụ sau mỗi cuộc tiếp xúc, đối thoại. Theo đó, chậm nhất là 10 ngày làm việc, văn phòng cấp ủy, văn phòng HĐND, văn phòng UBND thông báo ý kiến kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của nhân dân (trừ những nội dung đã được làm rõ tại hội nghị). Chậm nhất là 30 ngày làm việc sau khi có thông báo trên, các cơ quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả xem xét, giải quyết đến người có ý kiến và cơ quan, đơn vị có liên quan.

Với 3 chương, 12 điều, Quy chế Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố quy định rõ đối tượng, mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức và chế độ tổ chức tiếp xúc, đối thoại, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan. Đây là căn cứ để cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố triển khai đồng bộ, toàn diện và thống nhất việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Khẩn trương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả

Việc Thành ủy Hà Nội ban hành Quy chế Tiếp xúc, đối thoại đã được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình đánh giá cao; được cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố đón nhận và khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện.

Tâm đắc với quy định về thời hạn trả lời ý kiến, kiến nghị của người dân đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, ông Lê Xuân Lâm (phường Việt Hưng, quận Long Biên) khẳng định, Quy chế sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong thi hành công vụ. Trong khi đó, bà Trịnh Thị Lan (đảng viên Đảng bộ phường Cống Vị, quận Ba Đình) cho rằng, Quy chế sẽ là cơ sở để cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu về trách nhiệm tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Bí thư Quận ủy Đống Đa Lê Tiến Nhật cho biết, Quy chế được Thành ủy Hà Nội ban hành rất kịp thời và cần thiết. Ngay sau khi tiếp nhận Quy chế, Quận ủy Đống Đa đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đồng bộ, bảo đảm hiệu quả trong toàn Đảng bộ. Trong khi đó, theo Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương, Quy chế rất có ý nghĩa trong bối cảnh huyện đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn phải nắm bắt đầy đủ, toàn diện diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc ngay từ cơ sở, không để bức xúc tích tụ kéo dài.

Còn Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Vũ Tuấn Dũng cho biết, Đảng ủy Khối chỉ đạo cấp ủy, ban giám hiệu các trường chủ động, tích cực đối thoại với cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, từ đó phát huy dân chủ, tạo đồng thuận xã hội. “Chúng tôi thấy đây là cơ hội để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - ông Vũ Tuấn Dũng chia sẻ.

Là cơ quan trực tiếp tham mưu giúp Thành ủy Hà Nội ban hành Quy chế, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy giúp Ban Thường vụ Thành ủy đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đào Ngọc Triệu cho biết, ngay trong tuần này, Ban Dân vận Thành ủy sẽ có công văn đôn đốc trực tiếp gửi tới các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đề nghị triển khai thực hiện Quy chế. Đồng chí bày tỏ tin tưởng rằng, Quy chế sẽ góp phần quan trọng giúp thành phố thực hiện hiệu quả một trong những nội dung nổi bật của Quyết định 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển khai toàn diện nhiệm vụ đối thoại với nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.