(HNM) - Sở hữu cảnh sắc thiên nhiên, có nhiều di tích lịch sử giá trị, người dân thân thiện và mến khách… là những yếu tố giúp Hà Nội ghi điểm trong mắt du khách quốc tế. Thế nhưng, Ngành Du lịch Hà Nội chưa phát triển xứng với tiềm năng, còn hạn chế mà một trong số đó là thiếu hệ thống biển chỉ dẫn đồng bộ,
Biển chỉ dẫn thiếu đồng bộ, sơ sài
Đến với làng thêu Quất Động, huyện Thường Tín, du khách thường xuyên rơi vào tình trạng bối rối bởi không có biển chỉ dẫn nên không biết tìm nghệ nhân, chỗ nghỉ chân cũng như dịch vụ ăn uống ở đâu. Điều tương tự cũng xảy ra ở nhiều làng nghề khác như làng nghề tạc tượng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên)... Còn trong nội thành, không ít tuyến phố vẫn còn thiếu biển tên, nếu có thì chỉ đặt ở một bên đầu phố. Nhiều nơi có biển chỉ dẫn chữ nhỏ, han gỉ, treo quá cao so với tầm mắt người đi đường hay bị cành cây, biển quảng cáo che khuất.
Hệ thống biển chỉ dẫn đồng bộ sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho du khách khi tham quan Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn |
Còn nhớ, vào năm 2012, Hà Nội bước đầu thí điểm đổi mới biển tên đường phố trên 30 tuyến phố. Các tuyến phố này mang tên danh nhân, dưới tên đường phố có chú thích năm sinh, năm mất, công trạng ngắn gọn. Thế nhưng, thực tế triển khai cho thấy rất nhiều bất cập. Ví dụ như biển tên đường, phố thiếu sự thống nhất về kích cỡ và nội dung (đường phố mang tên danh nhân thì có chú thích, đường phố không mang tên danh nhân thì không); nội dung chú thích liên quan tới danh nhân được lấy tên đặt cho đường, phố không đủ để tạo thành "bài học lịch sử trên đường phố" vì chữ quá nhỏ và chưa đủ thông tin cần thiết, "vô dụng" với khách nước ngoài. Bởi nhiều yếu tố nên chỉ sau một thời gian triển khai thí điểm, dự án ngưng trệ.
Nhìn ra nước ngoài, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt. Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho biết, ở nhiều nước, trước khi các bảng, biển được lắp đặt, cơ quan quản lý đều lập sơ đồ các điểm du lịch quan trọng và cân nhắc tính cần thiết tại các địa điểm cần đặt biển chỉ dẫn. Bảng biển chỉ dẫn du lịch thường được đặt tại các cửa ngõ dẫn vào điểm đến, nơi mà phần lớn khách du lịch đều phải đi qua, hoặc được đặt tại vị trí trung tâm của điểm đến. Các biển này được dịch sang các tiếng thông dụng như Anh - Pháp - Đức, hoặc Anh - Trung - Nhật.
"Ở Hồng Kông (Trung Quốc), khi đặt biển tên đường phố và biển số, với mong muốn người dân, các phương tiện giao thông và khách du lịch có thể dễ tìm đến, người ta đã thiết lập biển tên đường phố kèm theo thông tin về số nhà/địa danh du lịch. Chẳng hạn như thông tin trên biển tên đường Waterloo sẽ cho biết rõ đoạn đường phố bên trái vị trí đặt biển gồm các nhà số lẻ từ 81 đến 99 và bên phải vị trí đặt biển gồm các nhà từ 79 đến 71. Nhờ tấm biển này, người và xe cộ có thể biết được địa chỉ mình đang tìm có ở trên hai đoạn đường gần nhất với tấm biển này hay không, từ đó xác định hướng đi, tìm địa chỉ ở những đoạn phố tiếp theo. Đây là mô hình mà TP Hà Nội cần học tập", ông Lê Công Năng cho biết.
Chính xác, thuận tiện, ngắn gọn
Tình trạng thiếu hệ thống biển chỉ dẫn đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố gây ra nhiều phiền toái, trước hết là sự thiếu hụt thông tin về địa điểm mà khách du lịch muốn đặt chân đến. Chị Nguyễn Quỳnh Hương, hướng dẫn viên tiếng Pháp kể, một lần chị dẫn một đoàn khách Pháp đi tham quan nghề làm nón làng Chuông (huyện Thanh Oai). Nhưng vì không có biển chỉ dẫn nên đoàn phải hỏi thăm lòng vòng, mất nhiều thời gian. Hậu quả là toàn bộ hành trình du lịch đã định sẵn của khách bị đảo lộn.
Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Five Stars Travel cũng nhận định, việc biển chỉ dẫn không được định dạng song ngữ đã gây khó khăn cho du khách quốc tế trong việc tiếp cận, khám phá những danh lam thắng cảnh, nét độc đáo của thành phố, con người Hà Nội. Ở một vài nơi, sự cẩu thả trong việc lắp dựng biển báo, tên đường phố dẫn đến những lỗi chính tả “ngớ ngẩn”, khiến hình ảnh du lịch Hà Nội trở nên thiếu chuyên nghiệp trong mắt du khách nước ngoài. Điển hình như biển chỉ dẫn nằm ở ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học được thể hiện bằng tiếng Việt - Anh - Pháp, trong đó từ “palace” bị ghi nhầm thành “palage” và tên khách sạn Sofitel Metropole bị thiếu chữ “e”.
Trước thực trạng trên, vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội và đối tác Pháp đã xây dựng đề án thực hiện triển khai thí điểm xây dựng lôgô, biển chỉ dẫn. Trước mắt, đề án sẽ được triển khai tại khu vực nội thành và hai làng nghề là Bát Tràng (Gia Lâm) và Vạn Phúc (Hà Đông). Hy vọng rằng, khi đề án được thực hiện, du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục "ghi điểm" và trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.