(HNMO) - Sáng 24/11, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7/2011).
Đến dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Nguyễn Thế Thảo, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Ngô Thị Doãn Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND thành phố cùng lãnh đạo của 29 quận, huyện, các sở, ban, ngành của thành phố.
Tại hội nghị, sau khi nghe đồng chí Hoàng Ngọc Phong – Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT cùng đồng chí Lã Thị Kim Ngân – Viện trưởng Viện QHXD Hà Nội báo cáo tóm tắt một số nội dung liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH và nội dung Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã công bố kế hoạch triển khai hai quy hoạch quan trọng trên với nhiệm vụ cụ thể vừa cấp bách, vừa lâu dài giao cho các cấp, các ngành thực hiện.
Theo đó, đồng chí Ngô Văn Quý – Giám đốc Sở KH&ĐT nêu rõ: Để triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sẽ tập trung xây dựng các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển KTXH 5 năm và hàng năm; các chương trình, dự án đầu tư từng thời kỳ nhằm mục tiêu định hướng, chương trình dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư, giải pháp quy hoạch từ nay đến năm 2020.
Trong năm 2011-2012, thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung xây dựng và trình UBND thành phố phê duyệt các quy hoạch phát triển, quy hoạch mạng lưới cơ sở vật chất của các ngành và lĩnh vực, quy hoạch phát triển KTXH các huyện, thị xã để tổ chức.
Tiếp theo đó, đồng chí Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Sở QHKT cũng cho biết: Việc cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ là triển khai các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện; các quy hoạch chuyên ngành. Bên cạnh đó là hoàn chính các quy chế, quy định quản lý quy hoạch – kiến trúc, quy hoạch xây dựng tại khu vực nông nông theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói: Thủ đô Hà Nội rất vui mừng đón nhận hai quy hoạch chủ đạo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Có thể thấy, đây là hai quy hoạch mang tầm chiến lược đối với sự phát triển Hà Nội. Với hai quy hoạch này, chúng ta có cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai nhiệm vụ phát triển Thủ đô, đồng thời, có điều kiện để giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc kéo dài.
Bí thư cũng nhấn mạnh: Các quy hoạch này là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của Hà Nội, bảo đảm phát huy có hiệu quả hơn nữa mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển Thủ đô một cách bền vững và từng bước nâng cao điều kiện sống của nhân dân về nhà ở, dịch vụ công cộng, y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội; hạ tầng kỹ thuật, môi trường và không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH thành phố Hà Nội đã xác định rõ quan điểm xây dựng và phát triển Thủ đô sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển đất nước. Theo đó, đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Hà Nội đạt 12 - 13 thăm (thời kỳ 2011 - 2015); đạt khoảng 11 - 12%/năm (thời kỳ 2016 - 2020) và khoảng 9,5 - 10% năm (thời kỳ 2021 - 2030). Với quy hoạch được duyệt, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bưu chính viễn thông, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo, tư vấn, vận tải công cộng…; xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước. Đồng thời, những nội dung quan trọng trong hai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung phát triển Thủ đô là cơ sở quan trọng để quản lý việc đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, phấn đấu trở thành thành phố: "xanh - văn hiến – văn minh - hiện đại".
Tuy nhiên, Bí thư cũng nêu rõ: Để phát triển Thủ đô bền vững trong những năm tới, có được hai quy hoạch chiến lược này mới chỉ là điều kiện cần; quan trọng hơn vẫn là việc đưa quy hoạch vào cuộc sống. Vì vậy, Đảng bộ và chính quyền Thành phố sẽ cố gắng bằng tâm huyết và trách nhiệm cao nhất triển khai hiệu quả quy hoạch này.
Để thực hiện có hiệu quả 2 quy hoạch này, có nhiều việc phải làm, song trước mắt, Bí thư đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các quy hoạch này tới tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trong triển khai thực hiện quy hoạch. Hai là, UBND Thành phố cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đô thị, chỉ đạo việc xây dựng và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch KTXH của các địa phương, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên toàn bộ địa bàn Thành phố; đồng thời, thực hiện tốt việc quản lý đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch được duyệt. Ba là, các sở ngành, quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ đã được UBND Thành phố giao; thực hiện có hiệu quả các giải pháp khai thác và phát huy thế mạnh của địa phương, đơn vị và trong các tầng lớp nhân dân, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quy hoạch. UBND Thành phố chỉ đạo, giám sát và kiểm tra thực hiện triển khai các bước quy hoạch tiếp theo.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, tại hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo nêu tiếp một số nội dung, nhiệm vụ cần triển khai. Đó là tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền, công bố công khai cho mọi người hiểu và thực hiện. Đây là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục; trách nhiệm chính là Sở QHKT, Viện Quy hoạch, Sở KHĐT, UBND các quận, huyện cùng với các cơ quan thông tin, tuyên truyền của Thành phố. Tiếp theo đó là bắt tay ngay vào chỉ đạo và lập các quy hoạch, kế hoạchh. Vừa qua UBND Thành phố đã xây dựng và trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011 -20 15; đồng thời cụ thể hóa và triển khai nghị quyết Đại hội đảng bộ Thành phố lần thứ XV, Thành ủy đã chỉ đạo, xây dựng chín chương trình công tác lớn. Kế hoạch, chương trình công tác này cũng là để cụ thể hóa và thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH trong thời gian kế hoạch 5 năm.
Theo Chủ tịch, thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 6609/UBND-XD ngày 09/8/2011 giao nhiệm vụ cho các cấp các ngành trong việc: công bố quy hoạch, thông tin, tuyên truyền; xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; các quy.hoạch phân khu, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng; rà soát, khớp nối đồ án, dự án bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị. UBND Thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ 17 đồ án quy hoạch phân khu đô thị trung tâm và một quy hoạch hai bên tuyến đường quan trọng; chỉ đạo triển khai quy hoạch các đô thị vệ tình...
Có thể nói một khối lượng lớn công việc về quy hoạch đang chờ phía trước đó là: các quy hoạch phân khu, quy hoạch các đô thị vệ tinh, quy hoạch chung các quận, huyện, quy hoạch các trục đường quan trọng, thiết kế đô thi, các cơ chế quản lý, quy chế huy động nguồn lực… Mặt khác, thành phố cũng không thể chờ xong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết mới triển khai đầu tư xâydựng, quá trình này phải làm song song, vừa quy hoạch, vừa nghiên cứu đầu tư, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, vừa không phá vỡ quy hoạch; đồng thời trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục, cơ chế phải tháo gỡ như việc: tiếp tục triển khai các dự án sau khi đã có quy hoạch chung nhưng chưa có quy hoạch phân khu; việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật; kiểm soát các công trình cao tầng trong khu vực trung tâm… Hơn nữa, đồng thời với việc lập các quy hoạch, kế hoạch, thành phố phải ban hành các cơ chế quản lý, cơ chế huy động các nguồn lực: đất đai, vốn, tài chính, nhân lực, vật lực, khoa học công nghệ...
Cuối cùng Chủ tịch nhấn mạnh: “Với một khối lượng công việc khổng lồ; đòi hỏi không chỉ quyết tâm cao và tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, mà còn phải năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện… Với sự đồng thuận trong hệ thống chính trị của thành phố và các tầng lớp nhân dân, với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, chúng ta tin tưởng rằng sẽ thực hiện tốt quy hoạch, xây dựng Thủ đô thân yêu của chúng ta ngày càng giầu đẹp, văn minh”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.