Một trong những điểm mới, quan trọng của Luật Thủ đô năm 2024 là quy định về quản lý, sử dụng, mức chi lương cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, không ít cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô có cơ hội được nhận thu nhập tăng thêm, căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc. Quá trình triển khai sẽ không cào bằng, giúp động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc...
Khoản 3, Điều 15 Luật Thủ đô năm 2024 quy định, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Về nguồn thực hiện, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; tham khảo kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh, luật giao HĐND thành phố sử dụng nguồn tăng thu và nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện chế độ chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố (Điểm a Khoản 1 Điều 35).
Theo bà Bùi Thị Định, cử tri quận Cầu Giấy, Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 là niềm vui lớn với cán bộ, công chức, viên chức tại Hà Nội bởi chỉ sau vài tháng kể từ ngày tăng lương cơ sở (1-7-2024) họ có thêm cơ hội tiếp tục tăng thêm thu nhập. Tăng thu nhập sẽ tăng thêm ý thức trách nhiệm, tạo ra tinh thần phấn chấn trong cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức, viên chức sẽ sống tốt với nghề, vị trí việc làm đang đảm nhận…
Cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024, tại kỳ họp lần thứ hai mươi diễn ra ngày 10-12-2024, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2025.
Việc chi thu nhập tăng thêm của cơ quan, đơn vị thực hiện theo phương án như sau: 0,5 lần quỹ lương cơ bản để chi thu nhập tăng thêm hằng tháng cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức hiện có của cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng được hưởng theo hệ số lương ngạch bậc, chức vụ hiện hưởng và 0,3 lần quỹ lương cơ bản còn lại để chi thu nhập tăng thêm cuối năm cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị được đánh giá, xếp loại hằng năm từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Đối tượng áp dụng của Nghị quyết là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý; người đã được bổ nhiệm, tuyển dụng là cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức đang làm việc tại các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Theo đó, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cụ thể hóa phương án chi đối với cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá, xếp loại hằng năm, bảo đảm việc chi thu nhập tăng thêm theo nguyên tắc của Nghị quyết và quy định của Luật Thủ đô. Quá trình triển khai phải công khai tiêu chí áp dụng, không cào bằng, giúp động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc, góp phần vào sự phát triển của thành phố.
Theo tính toán, năm 2025, mức trích để tạo nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm bằng 0,8 lần quỹ lương cơ bản. Từ thời điểm bắt đầu thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn tiếp theo, căn cứ nguồn cải cách tiền lương còn dư, UBND thành phố sẽ báo cáo, đề xuất HĐND xem xét, quyết định mức trích để tạo nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cả giai đoạn và từng năm.
Trường hợp có biến động về nguồn cải cách tiền lương làm thay đổi mức trích đang thực hiện thì UBND thành phố báo cáo, đề xuất mức trích thay đổi để HĐND thành phố xem xét, quyết định tại kỳ họp HĐND thành phố gần nhất.
Theo Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, chính sách, thể chế mà Luật Thủ đô năm 2024 đề cập thực sự rất đột phá, vượt trội, là động lực của lao động và sáng tạo. Nhưng muốn Luật Thủ đô năm 2024, trong đó có thực hiện cải cách chính sách tiền lương được thực thi hiệu quả thì không thể thiếu người giỏi, người tài và nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, thực hiện cải cách chính sách tiền lương phải gắn liền với đổi mới công tác nhân sự, có chiến lược "chiêu hiền đãi sĩ", giữ chân người tài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.