Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội bằng trái tim yêu thương, chia sẻ

Minh Ngọc| 14/07/2021 12:02

(HNMO) - “Hiện nay, rất nhiều lao động đang gặp khó khăn, họ cần tiền để trang trải cho cuộc sống. Vì thế, các tổ chức, cá nhân phải triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bằng trái tim yêu thương, chia sẻ” - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh điều này tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị được tổ chức trực tuyến trên phạm vi toàn quốc vào sáng 14-7.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động.

Nỗ lực hỗ trợ an sinh xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trên diện rộng tác động tiêu cực đến thị trường lao động, việc làm, đời sống của người lao động. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động đang hiện hữu. Số người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội tăng, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động.

Báo cáo rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng dẫn chứng, hiện cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng về việc làm do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, tăng thêm 3,7 triệu người so với thời điểm cuối quý I-2021.

Đặc biệt, từ cuối tháng 4 đến nay, cả nước có 1,8 triệu người lao động rơi vào tình trạng không có việc làm. Số lao động bị ảnh hưởng việc làm tăng, khiến tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị tăng, hiện là 3,7%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Nhằm tạo giá đỡ an sinh xã hội cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai và đề xuất triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quán triệt sâu rộng nội dung các chính sách này đến người dân; đồng thời, khuyến khích các địa phương sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, thành phố đang triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội lần thứ nhất năm 2021 với kinh phí 886 tỷ đồng cho 6 nhóm đối tượng. Nhóm lao động tự do có số lượng người được hỗ trợ nhiều nhất với hơn 226.000 người, mỗi người được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, tương ứng với 30 ngày giãn cách xã hội. Dự kiến, việc chi kinh phí hỗ trợ cho lao động tự do sẽ hoàn thành vào ngày 15-7; còn các nhóm đối tượng khác phấn đấu hoàn thành trong tháng 7-2021.

Một số nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 sẽ tiếp tục được khoanh vùng để đề xuất hỗ trợ theo nội dung Nghị quyết số 68/NQ-CP…

Tương tự, thành phố Đà Nẵng đã bố trí kinh phí 92 tỷ đồng để hỗ trợ khoảng 90.000 người bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19. Trong đó, đối tượng lao động tự do được hỗ trợ bao gồm: Nhân viên, bảo mẫu nhóm trẻ; thuyền viên phục vụ tàu du lịch, lao động làm việc ở đơn vị lữ hành, lái xe, phục vụ vận chuyển du lịch, làm việc ở các khu điểm du lịch, người làm công việc cắt tóc, dọn vệ sinh, giúp việc gia đình, bán vé số… Mỗi người được hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người/lần. Còn hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề được hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng/người/lần. Ngoài các chính sách dành cho đối tượng đặc thù, thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương đưa các nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-CP vào đời sống.

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương thông tin, Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; đồng thời, xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện trình thành phố xem xét, ban hành. Sở cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động…

Quang cảnh hội nghị.

Đơn giản hóa thủ tục để người lao động sớm được thụ hưởng

Nhằm đưa chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đến đúng đối tượng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm ban hành quy định về thủ tục hành chính hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, làm căn cứ để các địa phương dễ dàng triển khai. Đây cũng là đề xuất của đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương và một số địa phương khác.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, quy trình, thủ tục hành chính hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã được quy định rõ ràng tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, không cần thêm bất cứ hướng dẫn nào. Các địa phương cần nghiên cứu rõ các nội dung để triển khai. Bộ khuyến khích các địa phương cắt giảm thêm thủ tục, càng đơn giản thì chính sách hỗ trợ sẽ càng nhanh đến với người lao động.  

“Thời điểm này, rất nhiều lao động đang gặp khó khăn, họ cần tiền để trang trải cho cuộc sống thường nhật. Do đó, công tác triển khai cần kịp thời, sáng tạo, sau đó tiến hành hậu kiểm. Quá trình thực hiện phải lấy sự an toàn cho người dân là trên hết, không để ai bị thiếu cơm ăn, áo mặc. Để thực thi, các tổ chức, cá nhân phải triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội bằng trái tim yêu thương, chia sẻ. Những địa phương nào chưa triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP phải triển khai ngay”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lưu ý.

Thông tin thêm về việc triển khai gói chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận cho biết, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội từ trung ương tới địa phương đã bố trí nguồn kinh phí, con người, bảo đảm tiếp đón các nhóm đối tượng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, việc xét duyệt hồ sơ diễn ra trong thời gian ngắn nhất.

Còn Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: “Chúng tôi đã quán triệt trong toàn ngành, khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ về các chính sách bảo hiểm xã hội theo nội dung Nghị quyết số 68/NQ-CP, các bộ phận không được yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động bổ sung bất kỳ thủ tục nào. Thời gian xét duyệt hồ sơ diễn ra trong ngày”.

Với sự vào cuộc khẩn trương, đồng bộ của các cơ quan chức năng, chắc chắn gói hỗ trợ an sinh xã hội sẽ sớm đến với người lao động, người sử dụng lao động, tạo điểm tựa cho họ vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo đà cho thị trường lao động dần hồi phục.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa góp phần phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Nổi bật là cả nước tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 645.000 chỉ tiêu; đưa hơn 40.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chi trả kịp thời các chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Những tháng cuối năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội kiên trì thực hiện các mục tiêu đề ra từ đầu năm, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội bằng trái tim yêu thương, chia sẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.