An toàn thực phẩm

Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

Xuân Lộc 04/06/2024 - 06:54

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, thành phố cũng đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và hậu kiểm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Qua đó, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng.

thuc-pham.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 thành phố Hà Nội truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại một siêu thị ở quận Đống Đa. Ảnh: Thu Trang

Thành lập hơn 600 đoàn thanh tra, kiểm tra

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện có 72.671 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, sản xuất thực phẩm của thành phố mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu. Do đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Các hoạt động an toàn thực phẩm được triển khai sớm ngay từ đầu năm, trong đó tập trung tăng cường quản lý dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và triển khai các chuyên đề trọng tâm an toàn thực phẩm.

Trong 5 tháng đầu năm nay, toàn thành phố đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm với việc thành lập hơn 600 đoàn thanh tra, kiểm tra. Kết quả, có 44.302 cơ sở được thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm, trong đó 38.188 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 86,2%) và phát hiện 6.114 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 1.092 cơ sở với số tiền phạt hơn 3,8 tỷ đồng; đồng thời tiêu hủy sản phẩm của 11 cơ sở và đình chỉ 4 cơ sở.

Qua công tác kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là khu vực bếp có côn trùng động vật gây hại, hệ thống cống hở, ứ đọng, không ghi chép hoặc ghi không đúng số kiểm thực 3 bước; ghi nhãn sản phẩm và quảng cáo sản phẩm thực phẩm không đúng; khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ. Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn chưa thực hiện gửi bản cam kết quy định về an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội dẫn chứng, việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thực phẩm không chỉ gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện tự công bố sản phẩm mà còn khiến các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó trong việc giám sát, kiểm tra, hậu kiểm. Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh tuy nhiên kết quả còn hạn chế.

Hiện nay, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động gây khó khăn trong công tác quản lý. Mặt khác, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn từ các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc chưa cao và được tiêu thụ dưới hình thức thô, không tem nhãn mác, không tiêu chuẩn chất lượng với giá thành không ổn định… Còn người dân chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên chưa thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Đẩy mạnh giám sát chất lượng thực phẩm

Từ những kết quả đạt được, theo ông Vũ Cao Cương, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2024 là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm; triển khai kế hoạch cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên toàn thành phố; quy chế phối hợp giữa các sở, ngành thành phố và UBND quận, huyện, thị xã. Đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp.

Đồng quan điểm trên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đồng thời yêu cầu các cơ sở phải công khai Giấy chứng nhận/cam kết an toàn thực phẩm và địa chỉ nơi cung cấp nguyên liệu.

Cùng với việc tăng cường giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất trên địa bàn, cơ quan chức năng của thành phố cũng sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông, lâm, thủy sản được đưa vào Hà Nội. Mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tiếp tục phối hợp với các ngành triển khai chương trình minh bạch thông tin điện tử. Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.