(HNM) - Ngày 15-12, TP Hà Nội tiếp tục triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 lĩnh vực tư pháp tại 277 xã, thuộc 12 huyện, thị xã. Như vậy, đến nay tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn TP Hà Nội đã triển khai DVCTT mức độ 3.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù đã có sự đầu tư khá chu đáo về nhân sự và hạ tầng, nhưng việc vận hành DVCTT mức độ 3 tại khu vực ngoại thành chưa đều, người dân chưa chủ động đến với dịch vụ mới. Vì vậy, để vận hành tốt hệ thống vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội).Ảnh: Thái Hiền |
Hạ tầng đã sẵn sàng
Các xã triển khai DVCTT mức độ 3 lần này thuộc 12 huyện, thị xã: Sơn Tây, Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng, Mê Linh, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Theo Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội Phan Lan Tú, việc chuẩn bị điều kiện về hạ tầng đã cơ bản được hoàn thành. Hệ thống mạng WAN được giám sát bảo đảm cho hoạt động ổn định; trung tâm dữ liệu của thành phố phục vụ việc cài đặt hệ thống dịch vụ công mức độ 3 được duy trì ổn định.
Trong việc cài đặt phần mềm, Công ty Nhật Cường phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố bảo đảm kết nối liên thông tới hệ thống đăng ký bảo hiểm y tế để BHXH các huyện thực hiện tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ hệ thống DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp, liên thông thủ tục hành chính (TTHC). Công ty Nhật Cường phối hợp với Công an thành phố triển khai kết nối liên thông tới hệ thống quản lý hộ khẩu để công an các huyện và xã, phường, thị trấn trực thuộc thực hiện việc tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ hệ thống DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp, liên thông TTHC bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Trước đó, từ cuối tháng 10-2016, Sở TT-TT phối hợp với các đơn vị lần lượt tổ chức 36 lớp đào tạo cho 12 huyện, thị xã. Trong đó, thành phần học cấp xã là cán bộ bộ phận "một cửa" (lĩnh vực tư pháp), cán bộ tư pháp hộ tịch, cán bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo UBND xã phụ trách bộ phận "một cửa"; cán bộ cấp huyện gồm: lãnh đạo huyện, cán bộ văn phòng, phòng tư pháp, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Các học viên được hướng dẫn về quy trình thực hiện DVCTT mức độ 3 đối với các TTHC liên thông gồm: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú trên địa bàn; tập huấn về quy trình khai báo hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ và trả kết quả, hướng dẫn thực hành sử dụng phần mềm dịch vụ công trên máy tính.
Vận hành chưa đều
Dù đã có 15 ngày vận hành thử (từ ngày 1-12), nhưng đến 10h30 sáng 15-12, hai cán bộ của bộ phận “một cửa” của UBND thị trấn Thường Tín vẫn còn đang nhập thử một tệp hồ sơ vào phần mềm hệ thống DVCTT mức độ 3. Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, cán bộ tư pháp - hộ tịch (UBND thị trấn Thường Tín): “Sở dĩ giờ này vẫn phải nhập thử hồ sơ vì chưa có công dân nào đến nộp để nhập thật. Nhập thử cũng không xong vì phần mềm chạy quá chậm, mãi mới thực hiện được một thao tác rồi lại... tắc. Như trước đây, mỗi bộ hồ sơ nộp trực tiếp chỉ cần 5-7 phút là xong các công đoạn cần thiết thì nay phải mất đến 20 phút vì phải thêm nhiều thao tác, lại nhập vào 2 phần mềm (phần mềm quản lý “một cửa” và phần mềm DVCTT mức độ 3), trong khi mạng rất chậm”. Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, cần nghiên cứu để có phần mềm thống nhất và thực hiện nhanh gọn bởi như hiện tại, cán bộ thao tác còn lúng túng thì người dân sẽ không dễ thực hiện.
Cùng trên địa bàn huyện Thường Tín, song xã Văn Bình lại không gặp trục trặc về mạng. Ông Nguyễn Vinh Chuyển, công chức văn phòng - thống kê xã cho biết: “Ngày 3-12, huyện đã mời Công ty Nhật Cường về tập huấn. Từ ngày 5-12 đến nay chúng tôi vận hành thử thì thấy phần mềm chạy khá ổn. Người dân đã rất bất ngờ vì nhanh chóng có kết quả”. Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) cho hay: “Nhận thấy ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC là xu thế tất yếu nên chúng tôi đã nghiêm túc cử cán bộ tham gia đầy đủ lớp tập huấn do huyện tổ chức cho 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đến nay, cán bộ của xã đã thao tác thành thạo và điều kiện hạ tầng cũng đã sẵn sàng để triển khai dịch vụ mới này”.
Một điểm chung của nhiều đơn vị trong ngày đầu tiên vận hành chính thức DVCTT mức độ 3 là dù đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền như qua hệ thống loa truyền thanh xã, qua các cuộc họp tổ dân phố, phát tờ rơi hướng dẫn... nhưng trong ngày đầu vận hành chính thức, rất nhiều đơn vị không nhận được hồ sơ nộp trực tuyến. Tới đây, để hoạt động này đạt hiệu quả, Sở TT-TT yêu cầu, cùng với việc kịp thời xử lý các vướng mắc về kỹ thuật, các đơn vị cũng cần nghiêm túc tham gia các lớp tập huấn.
Thông tin từ Sở TT-TT cho biết, sau gần một tháng triển khai cung cấp DVCTT mức độ 3 ở 139 xã thuộc 6 huyện ngoại thành trước đó, tỷ lệ hồ sơ nộp qua mạng đạt khoảng 30%. Thực tế này là do thói quen, điều kiện cuộc sống của người dân khu vực ngoại thành ít sử dụng các thiết bị công nghệ. Vì vậy, vấn đề đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích khi sử dụng các DVCTT là rất quan trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.