(HNM) - Tuần đầu tiên sau ngày khai giảng năm học mới luôn là khoảng thời gian khiến các bậc phụ huynh lo lắng về các khoản thu trong trường học. Nhằm hướng dẫn các trường triển khai công tác thu chi đúng quy định và hiệu quả, kịp thời chấn chỉnh những hành vi sai phạm, ngoài việc ban hành văn bản chỉ đạo
Năm học 2015-2016, mức học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn TP Hà Nội (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) vẫn giữ nguyên như năm học trước. Toàn thành phố chỉ có hai mức học phí, trong đó học sinh (HS) theo học tại các cơ sở giáo dục địa bàn thành thị (gồm các phường, thị trấn) đóng 40 nghìn đồng/ HS/tháng; HS theo học tại các cơ sở giáo dục địa bàn nông thôn (các xã) đóng 20 nghìn đồng/HS/tháng.
Đầu năm học mới, nhiều phụ huynh lo lắng về các khoản thu trong trường học. Ảnh: Thái Hiền |
Ngoài khoản thu học phí, Sở GD-ĐT đã công bố danh mục 10 khoản thu khác được phép triển khai trong nhà trường. Đây không chỉ là căn cứ pháp lý cho công tác triển khai, giám sát, mà còn nhằm thông tin để phụ huynh nắm rõ về các khoản đóng góp trong trường học để thực hiện và kịp thời phản hồi nếu phát hiện có sự sai lệch. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ mà các nhà trường triển khai những khoản thu, nên không phải trường nào cũng áp dụng đủ theo danh mục. Trong số này, có 6 khoản thu được UBND thành phố quy định mức đóng hoặc mức trần cụ thể, bao gồm thu, chi phục vụ bán trú; thu, chi học 2 buổi/ngày; thu, chi học phẩm; thu, chi nước uống HS; bảo hiểm y tế; dạy thêm học thêm. Các khoản thu còn lại như thu chi tài trợ; thu chi quà biếu, tặng; thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm thiết bị của nhà trường được thực hiện theo hình thức thỏa thuận với cha mẹ HS.
Khác với mọi năm, công tác kiểm tra được triển khai từ trước ngày khai giảng nhằm kịp thời hỗ trợ các nhà trường từ khâu xây dựng phương án thực hiện. Để tránh tình trạng lạm dụng thu, thu sai, chi không đúng mục đích, các đoàn kiểm tra lưu ý nhà trường trong quá trình triển khai các khoản thu, chi phải bảo đảm theo nguyên tắc minh bạch, công khai, phải được cấp quản lý trực tiếp phê duyệt trước khi thực hiện. Cụ thể với các trường mầm non, tiểu học, THCS thì phải được sự đồng ý của quận, huyện, thị xã; các trường THPT phải được sự đồng ý của Sở GD-ĐT. Đây không phải quy định mới, song quá trình thực hiện, vì nhiều lẽ, một số trường thường làm tắt quy trình và bỏ quên khâu này, vì vậy nên thường khiến phụ huynh bức xúc.
Thu xã hội hóa: Phải rõ quy trình 4 bước
Trong các khoản thu đề cập ở trên, khoản thu đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị cho nhà trường (thường gọi là khoản thu xã hội hóa) là khoản thu "nhạy cảm", được các bậc phụ huynh và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, những năm gần đây, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai nội dung này, năm 2013 đã ban hành Quyết định số 51/ 2013/QĐ-UBND quy định rành mạch từng khoản thu, mức thu từng khoản, cách thức triển khai từng khoản thu, chi trong trường học. Nội dung này được quán triệt đến từng nhà trường, cũng được công khai đến toàn xã hội để giải thích rõ với cha mẹ HS nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ, phục vụ trực tiếp và hiệu quả cho việc học tập của HS.
Để tránh tình trạng cố tình đi tắt quy trình, Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường thực hiện đúng, đủ theo quy trình 4 bước trong việc thu, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện đã được UBND thành phố phê duyệt. Đơn cử, một trường học muốn xã hội hóa để lắp điều hòa cho các lớp thì bước đầu tiên phải thống nhất về kế hoạch triển khai trong ban giám hiệu, hội đồng nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS, từ đó lập kế hoạch dự trù xin ý kiến cấp quản lý rồi mới được tổ chức vận động thu góp. Để được phê duyệt, kế hoạch này phải chỉ rõ xem nhà trường dự kiến thu để làm gì, phục vụ cho ai, mức thu bao nhiêu? Làm rõ được những nội dung này sẽ triển khai xã hội hóa một cách suôn sẻ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong điều kiện ngân sách hạn chế.
Những năm trước, từng có trường phản ánh rằng đã thực hiện theo quy trình này, song vẫn không nhận được sự đồng thuận cao. Có trường vận động phụ huynh tự nguyện nhưng lại ghi sổ, kẻ bảng ghi tên, mức đóng góp của từng phụ huynh, khiến cho những người hoàn cảnh khó khăn ngậm ngùi, thậm chí có người vẫn đóng nhưng lại có phản ứng. Một trong những nguyên nhân cơ bản được xác định là các trường đã vi phạm nguyên tắc trong việc thu góp tự nguyện. Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT) cho biết: Đã là khoản đóng góp tự nguyện thì không được "bổ đầu", cào bằng với tất cả đối tượng. Sở GD-ĐT sẽ tổ chức họp với các trường để thống nhất các khoản thu khác của từng đơn vị trong năm học 2015-2016, chậm nhất vào ngày 25-9; với khối các quận, huyện, thị xã là ngày 15-10, sau đó các trường mới được phép triển khai.
Dự kiến cuối tuần này các nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh đầu năm, trong đó có việc phổ biến các khoản thu góp. Công tác hướng dẫn, kiểm tra đã được thực hiện đầy đủ, vấn đề còn lại là ý thức, trách nhiệm của cơ sở trong việc triển khai.
- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hiệp Thống cho biết: Chỉ đạo của Sở GD-ĐT đối với các nhà trường là không được thu gộp các khoản đóng góp vào đầu năm học. Chỉ có khoản thu học phẩm, trang thiết bị phục vụ bán trú và quần áo đồng phục được thu theo học kỳ hoặc cả năm học. Còn lại các khoản gồm: Tiền ăn, chăm sóc bán trú, học 2 buổi/ngày, nước uống, dạy thêm học thêm thì thu định kỳ hằng tháng. - Quy trình 4 bước các khoản đóng góp tự nguyện: + Thống nhất chủ trương trong ban giám hiệu, hội đồng nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS. + Dự trù kinh phí chi tiết (dự kiến nguồn huy động, nội dung, mức chi), niêm yết công khai ít nhất một tuần. + Báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp. Chỉ được tiến hành vận động sau khi có sự đồng ý. + Niêm yết công khai, báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện. Khoản thu này phải đưa vào sổ sách kế toán, hạch toán, thanh quyết toán theo quy định. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.