Xã hội

Triển khai công tác đặc xá năm 2024 bảo đảm không để xảy ra tiêu cực, sai sót

baochinhphu.vn 07/08/2024 - 20:38

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký ban hành Công điện số 76/CĐ-TTg ngày 7-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2024.

Triển khai công tác đặc xá năm 2024 bảo đảm đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực, sai sót- Ảnh 1.

Công điện gửi: Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công điện nêu rõ, ngày 2 tháng 8 năm 2024, Hội đồng tư vấn đặc xá đã ban hành Hướng dẫn số 88/HD-HĐTVĐX về việc triển khai thực hiện Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024. Để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đặc xá năm 2024, thực hiện tốt chủ trương, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội và góp phần thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm đạt kết quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Công an làm tốt chức năng tham mưu, thường trực cho Hội đồng tư vấn đặc xá; có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo việc xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ do Bộ Công an quản lý; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Hội đồng tư vấn đặc xá xem xét.

2. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo chặt chẽ việc xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam do Bộ Quốc phòng quản lý.

3. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp chủ trì việc xét đề nghị đặc xá cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin đầy đủ nội dung các văn bản về đặc xá năm 2024 để mọi người dân và các phạm nhân hiểu rõ điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét đặc xá... để họ có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tự đối chiếu, giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng, tránh nhầm lẫn, sai sót; đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân xoá bỏ mặc cảm đối với người được đặc xá và quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ họ hoà nhập cộng đồng.

5. Các Bộ, ngành, cơ quan đã nêu trong Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công; tổ chức phổ biến, quán triệt, bảo đảm công tác đặc xá thực hiện thống nhất, an toàn, công khai, minh bạch, theo quy trình chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng điều kiện quy định pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, sai sót.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng thực hiện nghiêm túc Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN ngày 30 tháng 7 năm 2024 về đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước và Hướng dẫn số 88/HD-HĐTVĐX ngày 2 tháng 8 năm 2024 của Hội đồng tư vấn đặc xá. Cụ thể là:

a) Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan báo chí ở địa phương tuyên truyền sâu rộng về công tác đặc xá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Chỉ đạo các Sở: Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, giấy chứng nhận, xác nhận và các tài liệu cần thiết khác liên quan đến người được đề nghị đặc xá.

c) Chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, tổ chức kinh tế, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đối với những người được đặc xá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì vận động các ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội quan tâm giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.

d) Chỉ đạo Giám đốc Công an cấp tỉnh phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ người đặc xá; nắm chắc tình hình, diễn biến của số người được đặc xá về cư trú tại địa phương, không để họ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, xử lý kịp thời, nghiêm minh những người có hành vi tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

7. Giao Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá) có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn đặc xá./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển khai công tác đặc xá năm 2024 bảo đảm không để xảy ra tiêu cực, sai sót

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.