(HNM) - Hà Nội triển khai chương trình thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) được hơn một năm nhưng số hộ tham gia còn thấp. Theo Ban chỉ đạo BHNN Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu là do người nông dân chưa hiểu rõ nội dung chương trình, trong khi giá "đầu vào" chăn nuôi như: con giống, thức ăn tăng cao, giá sản phẩm gia súc, gia cầm biến động. BHNN chưa thực sự thu hút được nông dân.
Hà Nội là một trong 21 tỉnh, thành phố tham gia chương trình thí điểm BHNN của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được chọn BH trên đàn bò, lợn. Sau khi triển khai, Ban chỉ đạo BHNN thành phố đã chọn hai huyện là Ba Vì với đàn bò sữa và Chương Mỹ với đàn lợn. Đối với Ba Vì, BHNN được triển khai trên tất cả các xã chăn nuôi bò sữa, còn Chương Mỹ triển khai tại ba xã có đàn lợn lớn nhất huyện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, BHNN mới được triển khai tại 3 xã của Ba Vì là: Tản Lĩnh, Yên Bài và Vân Hòa với 804 hộ nuôi 763 con bò sữa, trong đó hộ nghèo và cận nghèo 225 hộ (chiếm 28,2%), hộ thường và tổ chức là 579 hộ (chiếm 71,8%) và 3.470 con lợn của 3 xã thuộc Chương Mỹ. Tổng phí BHNN là 1,565 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng (67,3%), các hộ dân đóng góp hơn 500 triệu đồng (32,7%). Công ty Bảo Việt Đông Đô trực tiếp ký hợp đồng BH đã phối hợp với các địa phương thực hiện bồi thường rủi ro đối với số lợn, bò sữa bị chết với tổng số tiền 287 triệu đồng.
Kết quả bước đầu, nông dân đã tin tưởng vào chương trình BHNN và được hỗ trợ khi gặp rủi ro. Ông Nguyễn Văn Trưởng, hộ nuôi bò sữa Ba Vì, cho biết, gia đình ông có một con bò mắc bệnh tụ huyết trùng bị chết. Rất may, con bò đó đã được mua BHNN nên sau khi xác định nguyên nhân, gia đình ông đã được bồi thường theo quy định. Với giá trị con bò lúc tham gia BH là 40 triệu đồng, ông Trưởng đã được bồi thường 60% (24 triệu đồng). Số tiền này đã hỗ trợ ông rất nhiều để có thể tiếp tục mua con bò sữa khác bổ sung.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, những biến động về giá cả, thị trường đã khiến chăn nuôi Hà Nội năm 2012 gặp nhiều khó khăn. Trong ba xã thí điểm BHNN trên đàn lợn tại Chương Mỹ, đến nay đàn lợn đã giảm 40%. Việc triển khai BHNN không thuận lợi, tỷ lệ tham gia thấp.
Thực tế triển khai sau hơn một năm cho thấy, nhiều hộ chưa hiểu rõ được ý nghĩa thiết thực BHNN nên đứng ngoài cuộc. Nhiều hộ dân Ba Vì khi được hỏi về BHNN chỉ lơ mơ "có biết" nhưng không hiểu và không muốn tham gia. Ngoài ra, phạm vi BH còn hẹp, mức phí BH cao so với thu nhập của người dân. Theo quy định, phải thực hiện BH trên tổng số toàn bộ số lợn, bò tại hộ đang nuôi. Tuy nhiên, một số hộ nuôi nhiều lứa lợn ở độ tuổi khác nhau, trong đó có đàn chuẩn bị xuất chuồng nên không muốn tham gia. Điều đó đồng nghĩa với việc chủ hộ không đủ điều kiện BHNN cho đàn lợn còn lại. Tương tự, với bò sữa, số bò kém phát triển, sản lượng sữa thấp, chủ hộ chuẩn bị thải loại nên không được tham gia BH, dẫn đến số bò còn lại cũng không được tham gia. Theo Giám đốc Công ty BH Đông Đô Nguyễn Văn Nghĩa, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, chưa có cơ chế quy định chi phí cho việc phối hợp với cơ quan thú y khi xác định bệnh để bồi thường vào những ngày nghỉ hoặc ban đêm. Đồng thời, trong một hộ, giá trị mỗi con bò sữa khác nhau (có con 30 triệu đồng, có con 40-70 triệu đồng) nên việc phân biệt, nhận dạng bò để xác định giá trị cũng gặp khó. Điều này liên quan đến công tác giám định và giải quyết bồi thường sau khi xảy ra tổn thất.
Mục tiêu, năm 2013, Hà Nội phấn đấu triển khai BHNN trên 90% đàn lợn ba xã của Chương Mỹ và trên 50% tổng đàn bò toàn huyện Ba Vì, với tổng phí 5 tỷ đồng tạo tiền đề mở rộng phạm vi BHNN những năm tới. Để tháo gỡ những vướng mắc, Ban chỉ đạo BHNN Hà Nội đề nghị Ban chỉ đạo BHNN trung ương xem xét bổ sung phạm vi BH cho trường hợp bò bị chết trong quá trình sinh sản và một số bệnh khác thường gặp ở bò nhưng không trong diện quy định được bồi thường; có cơ chế nhận BH theo nhu cầu của các chủ chăn nuôi về đối tượng, số lượng; không nhận BH cho những vật nuôi sắp bị thải loại… Đặc biệt, để nông dân hiểu ý nghĩa thiết thực của việc triển khai BHNN, các cấp chính quyền cần vào cuộc sát sao, đồng bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.