Khoa học - Công nghệ

Trí thức trẻ - tài nguyên chiến lược cần khai thác đúng cách

Tin và ảnh Thu Hằng 16/07/2025 - 11:39

Để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần một thế hệ trí thức trẻ không chỉ có trình độ mà còn giàu khát vọng cống hiến. Tại hội thảo “Công tác đoàn kết, thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức trẻ trong hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” tổ chức sáng 16-7, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để biến trí thức trẻ thành lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đổi mới nhận thức và hành động

gen-h-2a.jpg
Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Nguyễn Quyết Chiến phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Nguyễn Quyết Chiến cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết được gọi là “Bộ tứ trụ cột” định hướng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó có Nghị quyết số 57-NQ/TW về đổi mới phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội thông qua đã tạo ra khuôn khổ pháp lý then chốt cho hoạt động của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trong kỷ nguyên mới.

Ông nhấn mạnh: Những chuyển động lớn đó đòi hỏi VUSTA cần có tư duy mới, cách tiếp cận mới, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đổi mới phương thức tập hợp trí thức để khẳng định vai trò quan trọng của mình trong tiến trình phát triển đất nước.

gen-h-3a.jpg
Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA) Lê Công Lương

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA) đã đưa ra cái nhìn tổng quan về thực trạng công tác tập hợp trí thức trẻ. Số liệu cho thấy, trong vòng 10 năm, số người có trình độ đại học trở lên đã tăng gần 3 triệu người. Đội ngũ trí thức trẻ đang dần khẳng định vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ông Lương cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại như: Chưa có cơ chế khuyến khích đủ mạnh; hoạt động hội còn mang tính hành chính, chưa hấp dẫn; thiếu kết nối với các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp và đoàn thể thanh niên

Đồng quan điểm, ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhấn mạnh: Trí thức trẻ Việt Nam ngày càng thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo, đi đầu trong khởi nghiệp, đổi mới công nghệ và hội nhập quốc tế. Song, vẫn tồn tại khoảng cách lớn về trình độ giữa trí thức trẻ Việt Nam và khu vực; phân bố không đều, thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài trẻ.

gen-h-5canh-linh.jpg
Phó Viện trưởng Viện Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Đặng Vũ Cảnh Linh

Bà Nguyễn Thị Bích Lan, Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số nhìn nhận: VUSTA có thế mạnh đặc biệt trong việc xây dựng mạng lưới trí thức trẻ rộng khắp. Hệ sinh thái hội ngành, liên hiệp hội địa phương và các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc là cơ sở để hình thành “mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu”. Tuy nhiên, bà Lan cũng cảnh báo, nếu không đổi mới cách làm, nhất là trong thời đại số hóa, thì hệ thống rất dễ lỡ nhịp với lực lượng trẻ.

Để trí thức trẻ không đứng ngoài cuộc

Nhằm tạo ra đột phá trong công tác đoàn kết, thu hút, tập hợp trí thức trẻ, nhiều ý kiến tại hội thảo đã đưa ra giải pháp mang tính thực tiễn và khả thi cao.

gen-h-1a.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Để đổi mới phương thức hoạt động của hội, ông Lê Công Lương đề xuất xây dựng các chương trình hành động, diễn đàn khoa học, cuộc thi đổi mới sáng tạo dành riêng cho trí thức trẻ; ứng dụng nền tảng số để tương tác hiệu quả với giới trẻ. Đồng thời, ông đề nghị thành lập mạng lưới trí thức trẻ hoạt động theo các cụm chuyên môn như môi trường, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao…

Để phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng trí thức trẻ, ông Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, cần có quy trình liên thông từ phát hiện - đào tạo - bồi dưỡng - sử dụng. Ông dẫn chứng việc hàng ngàn nhà khoa học trẻ được tôn vinh, bảo hộ bản quyền và hỗ trợ đưa sản phẩm sáng tạo vào thực tiễn sản xuất thông qua các phong trào như: “Tuổi trẻ sáng tạo”, giải thưởng “Quả cầu vàng”, hay mô hình “Vườn ươm tài năng trẻ” do các bộ, ngành, đoàn thể tổ chức.

gen-h-6a.jpg
Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) Hà Hoàng Yến,

Để mở rộng sân chơi khoa học - công nghệ cho trí thức trẻ. Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), bà Hà Hoàng Yến cho biết, trong hơn 30 năm qua, Quỹ đã tổ chức hàng nghìn giải thưởng, hội thi, cuộc thi khoa học sáng tạo. Các phong trào này không chỉ giúp phát hiện tài năng mà còn tạo động lực thi đua nghiên cứu, đóng góp cho quốc gia. Tuy nhiên, để tăng chất lượng, bà đề nghị các tỉnh, ngành cần nâng cao công tác hướng dẫn, thẩm định và truyền thông để phong trào thực sự trở thành “ngày hội khoa học” toàn dân.

Để nâng cao vai trò của trí thức trẻ trong tham vấn, phản biện chính sách, theo bà Nguyễn Thị Bích Lan, VUSTA cần xây dựng cơ chế để tiếng nói của trí thức trẻ được phản ánh vào các chiến lược phát triển ở tầm quốc gia, nhất là các lĩnh vực: Chuyển đổi số, đô thị thông minh, giáo dục, đổi mới sáng tạo. Bà đề xuất thành lập nền tảng số “VUSTA Hub” - nơi chia sẻ học bổng, cơ hội nghiên cứu và các mentor khoa học cho giới trẻ.

Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến khẳng định: Đã đến lúc chúng ta hành động quyết liệt, đồng bộ, từ Trung ương tới cơ sở, từ thể chế chính sách đến hoạt động thực tiễn. Thu hút và phát huy trí thức trẻ không phải là một khẩu hiệu, mà là chiến lược phát triển quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Trí thức trẻ - tài nguyên chiến lược cần khai thác đúng cách

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.