Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trị “bệnh” lơ mơ, hời hợt khi thực thi nhiệm vụ

Thảo Trang| 20/09/2021 06:37

(HNM) - 1. "Lơ mơ", "hời hợt" là những từ dùng để chỉ hiện tượng nghiên cứu, nắm bắt không rõ, không kỹ, tổ chức thực hiện thiếu cụ thể, sâu sát, để xảy ra sai sót, hiệu quả công việc thấp. Biểu hiện ra ngoài của tình trạng trên là một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo các cấp, nắm chủ trương không chắc, không rõ, thực thi nhiệm vụ không đến nơi đến chốn, chất lượng, hiệu quả công việc không đạt yêu cầu.

Trong gần 2 năm qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Trước mối đe dọa sinh mạng của nhân dân, nhiều cán bộ, đảng viên đã gương mẫu đi đầu, lo cùng nỗi lo của người dân, triển khai hiệu quả các chủ trương của cấp trên để phòng, chống dịch. Nhưng, cũng trên mặt trận chống dịch bệnh, đã xuất hiện một số cán bộ, đảng viên rất "lơ mơ" khi nắm không rõ chủ trương, giải pháp nên làm chưa tốt công tác phòng, chống dịch ở địa phương, đơn vị.

Mới đây, khi kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch, thấy lãnh đạo nhiều địa phương "không nhớ" số ca bệnh, không nắm rõ, không hiểu đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phải thốt lên "lơ mơ thế thì làm sao chỉ huy". Hay như ở Hà Nội, lãnh đạo phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) không nắm chắc chủ trương nên để tập trung đông người, không bảo đảm giãn cách khi tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Gần đây nhất, ngày 14-9, lãnh đạo xã Thọ An (huyện Đan Phượng) đã phải xin lỗi bà Trần Thị Gấm khi trước đó đã tạm đình chỉ nhiệm vụ Cụm trưởng Cụm dân cư số 4 của bà Gấm do “thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, tổ chức đám tang tại Cụm dân cư số 4, để tập trung đông người trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội” trong khi thực tế, lỗi hoàn toàn thuộc về lãnh đạo xã Thọ An. Dư luận cũng từng biết đến không ít cán bộ, đảng viên quen ngồi phòng lạnh và “đẻ” ra những văn bản thiếu thực tiễn, không thể áp dụng… Những biểu hiện nắm chủ trương "lơ mơ", thực thi nhiệm vụ hời hợt như thế của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng, hiệu quả công việc, là một trong những nguyên nhân gây mất niềm tin với nhân dân, tiềm ẩn mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ nguyên nhân căn bệnh lơ mơ, hời hợt, không nắm chắc chủ trương là do bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; không gắn mình với công việc và thực tiễn; không hết lòng với công việc, không tận tụy và quyết tâm làm tròn bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.

2. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh, cán bộ là gốc của công việc và công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, là khâu then chốt nhất trong những vấn đề then chốt. Thế nên, muốn không còn những cán bộ, đảng viên mắc “bệnh” qua loa, đại khái, "lơ mơ" về chủ trương, hời hợt với nhiệm vụ thì cần có nhiều giải pháp, kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống.

Biện pháp tức thời là thường xuyên rèn luyện, đào tạo cán bộ trong thực tiễn thông qua giao nhiệm vụ, lấy thực tiễn giải quyết công việc để đánh giá năng lực, trình độ và phẩm chất chính trị, đạo đức mà quyết định bồi dưỡng, sử dụng lâu dài. Mặt khác, phải đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên của cấp ủy các cấp theo hướng công khai, dân chủ, công bằng và khách quan. Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên theo hướng sâu sát, người thật, việc thật, chất lượng thật; chú trọng kiểm tra đột xuất. Quá trình đánh giá, nhận xét cần biểu dương những cán bộ, đảng viên nắm chắc nguyên tắc lãnh đạo, quản lý, chủ trương của cấp trên; linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại va chạm và luôn tôn trọng pháp luật; phê phán và loại bỏ dần việc đánh giá, nhận xét chung chung, cảm tính. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm hoặc có biểu hiện vi phạm Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Chú trọng sàng lọc công khai, dứt khoát loại bỏ những cán bộ, đảng viên yếu kém, thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm.

Về lâu dài, cần tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên tự học, tự rèn, nâng cao trình độ; có mục tiêu, kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người làm công tác lãnh đạo, quản lý.

Gần đây, thực hiện định hướng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra là “xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13-5-2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Đây là cơ hội và điều kiện để đội ngũ cán bộ các cấp của Hà Nội được bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đơn vị, địa phương trong giai đoạn mới; qua đó, ngăn chặn hiện tượng làm việc qua loa, lơ mơ, hời hợt, đại khái khi thực thi nhiệm vụ, gây bức xúc trong dư luận.

Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần phải thường xuyên tự soi, tự sửa mình, gương mẫu nêu cao ý thức trách nhiệm với công việc, không ngừng tự nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

“Trị bệnh” nắm chủ trương "lơ mơ", làm việc qua loa, hời hợt của cán bộ, đảng viên chính là thiết thực góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng nền hành chính lành mạnh, hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trị “bệnh” lơ mơ, hời hợt khi thực thi nhiệm vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.