Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tri ân phải là việc thường xuyên, hằng ngày!

Cù Xuân Trường| 27/07/2015 05:58

(HNM) - Những ngày tháng bảy này, cả nước đang thực hiện những việc làm tri ân với các gia đình thương binh, liệt sĩ, nghiêng mình trước anh linh của những người đã ngã xuống vì hòa bình độc lập của dân tộc, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.



Chiến tranh đã lùi xa. Những vết sẹo đã lên da trên mảnh đất chiến trường xưa nhưng trong sâu thẳm trái tim mỗi con người vẫn là những nỗi đau, nỗi nhớ và di chứng chiến tranh vẫn hiện hữu trong cuộc sống hôm nay. Tri ân những người có công với đất nước là đạo lý của dân tộc, là trách nhiệm của mỗi người dân. Đạo lý ấy, trách nhiệm ấy luôn phải thật sự thấm sâu trong tâm thức mỗi người Việt Nam để trở thành động lực cho mỗi việc làm cụ thể hằng ngày.

Chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do" tỏa sáng cùng tinh thần tự quyết cháy bỏng trong mỗi người dân Việt Nam, thôi thúc lớp lớp thanh niên cầm súng lên đường "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Trong hành trình nghiệt ngã để thực hiện ý nguyện độc lập, tự do của dân tộc, để đất nước trọn niềm vui thống nhất, hơn một triệu liệt sĩ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Riêng cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972, có tới 16 nghìn người con ưu tú của đất nước đã vĩnh viễn nằm xuống để "tuổi hai mươi thành sóng nước". Rất nhiều gia đình có ban thờ Tổ quốc ghi công và cho đến hôm nay, hàng vạn phần mộ vẫn chưa được trả lại tên, hàng vạn liệt sĩ vẫn lạnh lẽo trong lòng đất mẹ. Di chứng kinh hoàng của chiến tranh vẫn còn đó trong hàng nghìn số phận đang vật vã đau đớn sống chung với chất độc da cam và máu vẫn đổ từ những bom mìn mấy mươi năm nằm sâu trong lòng đất...

Từ những đau thương mất mát, chúng ta có thể nhận diện sự tàn bạo của chiến tranh, để mỗi người, nhất là những người trẻ có nhận thức đúng về cái giá xương máu của hòa bình. Hòa bình, độc lập là khát vọng của cả dân tộc - một dân tộc không chịu áp bức, không chịu làm nô lệ, được đổi bằng những cuộc chiến tranh vệ quốc, bằng xương máu của biết bao thế hệ cha anh. Không có thế lực nào vì bất cứ lý do gì có thể "đổi trắng thay đen" hoặc xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử đó.

Tự hào về những người đã làm nên chiến thắng, càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mỗi người Việt Nam là gìn giữ nền hòa bình, là bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ quyền tự quyết của dân tộc. Và chúng ta không thể nguôi quên lịch sử, bởi lẽ không có quá khứ thì không có hiện tại và cũng bởi lẽ ân nghĩa, thủy chung chính là đạo lý, là giá trị cao đẹp của mỗi con người. Đền ơn đáp nghĩa là một cách thể hiện đạo lý làm người, là bổn phận của mỗi con người và cũng là trách nhiệm của toàn xã hội đối với những người có công với đất nước, với nhân dân.

Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ", Đảng và Nhà nước luôn xác định công tác thương binh, liệt sĩ là một trong những vấn đề lớn của đất nước và đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách đền ơn, đáp nghĩa. Hàng nghìn liệt sĩ đã từ những cánh rừng thăm thẳm được về với nghĩa trang quê mẹ. Hàng loạt ưu đãi về giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, giao đất, miễn giảm thuế trong sản xuất, kinh doanh... đối với gia đình có công đã được luật hóa để đi vào đời sống. Trong dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7), ngân sách nhà nước năm 2015 đã dành 384 tỷ đồng tặng quà người có công. TP Hà Nội dành hơn 55 tỷ đồng tặng quà 127.164 đối tượng hưởng chính sách thương binh, liệt sĩ... Đây là những nỗ lực rất lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Và một thực tế khác rất đáng ghi nhận, không ít gia đình chính sách đã vươn lên thoát nghèo.

Lòng biết ơn với những người đi trước là tình cảm cao quý. Tình cảm thiêng liêng ấy trở thành phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng trong cả nước với sự tham gia tích cực và trách nhiệm của nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân... Từng đoàn xe nối dài đưa những cựu chiến binh trở về với những mảnh đất một thời đạn bom, đến với đồng đội đang yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đường 9, Vị Xuyên...; những chuyến thăm hỏi, tặng quà người có công... diễn ra trên khắp mọi miền đất nước; những chương trình nghệ thuật nhắc nhớ mỗi người Việt Nam về một thời không thể nào quên... đã cho thấy cả xã hội đang chung tay cùng Nhà nước hỗ trợ người có công.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng địa bàn, còn rất nhiều việc phải làm. Thực tế, đã có không ít vướng mắc, bất cập, không ít vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, chưa sát thực tiễn; việc xác nhận liệt sĩ đối với những trường hợp bị địch bắt vẫn còn nhiều trở ngại về thủ tục; chế độ cho thương binh vừa là bệnh binh hay những người dân tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng vẫn có phần chưa thỏa đáng... Đôi lúc, đôi nơi có biểu hiện thiếu minh bạch trong việc làm hồ sơ, giải quyết trợ cấp cho người có công, gây nên sự thắc mắc, phiền lòng. Thậm chí đã có những gian lận, tiêu cực ở nơi này, nơi kia... Những việc làm đi ngược lại đạo lý dân tộc không chỉ gây trở ngại cho việc triển khai những chính sách ưu việt của chế độ vào cuộc sống, mà còn tạo ra những tổn thương đối với người có công.

Đền ơn đáp nghĩa không chỉ dừng lại ở những câu chuyện "đến hẹn lại lên", ở việc giải quyết những bức xúc, bất cập trong việc triển khai các chủ trương chính sách đối với người có công, mà sâu xa hơn là thực hiện đạo lý, tình cảm của cả một dân tộc. Những người cha, người anh đã ngã xuống, đã để lại một phần máu thịt nơi chiến trường để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà lịch sử giao phó. Độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất là những nền tảng cơ bản, là bệ đỡ để kiến thiết đất nước, xây đắp tương lai. Đất nước bước sang một trang mới: hòa bình và thịnh vượng. Chính vì thế mà mỗi người chúng ta phải biết trân trọng những gì cha ông đã đổ xương máu để có được ngày hôm nay.

Có nhiều cách để tỏ lòng biết ơn và mỗi người đều có thể chọn cho mình một cách thức để tri ân những người có công với đất nước, với nhân dân. Đền ơn đáp nghĩa phải trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày xuất phát từ tâm thức để quán xuyến tư duy và hành động của mỗi con người. Hãy gắn khát khao, khát vọng của mỗi cá nhân với mục đích chung của tập thể, của xã hội. Hãy đền ơn đáp nghĩa bằng tinh thần trách nhiệm với công việc của chính mình và bằng sự trân trọng đối với lịch sử.

Những ngọn nến lung linh như những linh hồn bất tử trên khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong ngày 27-7 này đang nhắc nhớ mỗi người chúng ta về một thời không thể nguôi quên; về những việc phải làm để xây dựng một đất nước việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tri ân phải là việc thường xuyên, hằng ngày!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.