(HNM) - Trần Đức Tiến thử thách và thành công ở nhiều lĩnh vực văn xuôi chả gần nhau, điều không dễ chút nào. Tập sách thứ tám anh viết cho thiếu nhi đem lại cho người đọc sự ngạc nhiên về độ trong trẻo, hồn nhiên của một tâm hồn khi đã “lên chức” ông.
Trần Đức Tiến quê gốc Hà Nam, chuyển vào Vũng Tàu sống. Cái sự xa quê hẳn khơi ra dòng hồi cố về những gì con cháu đều biết. Những câu chuyện luôn gắn với một vùng đồng bằng nước ngập, những “đặc sản” như đỉa, cá diếc, “cá thần”, Thủy Tề, con cua, con ốc. Chuyện đi câu, kể, tả tỉ mỉ đấy, anh không kìm nổi cảm hứng. “Con tôm lên khỏi mặt nước, búng càng “tách” một cái, coi như kết liễu đời chú chàng. Còn nếu lại thấy “kịch”, cành hẫng đi, cái vật đen đen vừa nhô lên lại từ từ chìm xuống, lảng đi mất, thì đích thị là con cua. Coi chừng cái càng cua khỏe như gọng kìm đã nghiến đứt chỉ, mất toi lưỡi câu rồi” (Câu “cá thần”).
Già nửa đầu cuốn sách là những “mảnh mẩu” không có cốt, đòi hỏi sự tinh tế, hóm hỉnh, rất “tốn” chi tiết và phải để dành cái kết bất ngờ. Trần Đức Tiến “ăn dỗ” trẻ em khéo lắm, chỗ này ngộ nghĩnh, chỗ kia rập rình. Phải cất giấu bản thân một cách khôn ngoan, từng trải, chặn những dạy dỗ chỉ chực trào ra để chứng tỏ sự ngu ngơ, dại dột mới được. “Viết cho thiếu nhi cũng có nghĩa là viết cho người lớn có nguy cơ đánh mất tâm hồn trẻ thơ”, nhà văn đã thành công với nguyên tắc này.
Phần sau của sách lại có sắc thái khác, mang dáng dấp truyện ngắn. Ông Cai Kình, thằng Nheo, chị Dần rành rành “đứng” làm nhân vật bằng tính cách, triết lý thích hợp với những chú bé đang thành người lớn. “Tôi chỉ dám bộc lộ tình cảm của mình lúc… không có ai. Những buổi sáng sớm vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, tôi nằm nán lại trên giường. Đầu óc dần dần tỉnh táo, tôi bắt đầu dùng ngón tay viết thầm lên mặt gối. Hạt, Hạt, Hạt, Hạt… Cái tên đáng yêu ấy được nắn nót viết đi viết lại không biết bao nhiêu lần… Trong giấc mơ đầu ngày, tôi thấy cả một rừng cây nõn xanh nảy mầm từ những “Hạt” vô hình tôi gieo xuống gối…”. Những dòng văn có “mầu Tự lực”, tả một thứ tình mơ hồ thế này thật rất khó viết khi dòng sống bên ngoài cứ xối xả chảy. Hình như Trần Đức Tiến “lượm” được chúng khi sống ở một chốn không quá tấp nập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.