Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trên 930.000 ca nhiễm, Liên hợp quốc gọi đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất sau Thế chiến II

Quỳnh Dương| 02/04/2020 06:22

(HNMO) - Tính đến 6h sáng ngày 2-4, trên thế giới đã có 930.829 người mắc Covid-19 với 46.774 ca tử vong. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gọi đại dịch này là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất” mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Thế chiến II, đồng thời nhấn mạnh vi rút SARS-CoV-2 đang “tấn công vào cốt lõi của xã hội”.

 Số bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Tây Ban Nha tiếp tục tăng chóng mặt.

Ông A.Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đối phó quyết liệt hơn theo đúng tình hình cấp bách của đại dịch Covid-19 hiện nay. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cũng cảnh báo “sức khỏe” kinh tế toàn cầu đang gặp rủi ro và sẽ dẫn đến “một cuộc suy thoái chưa từng có trong lịch sử gần đây”. Một trong những tác động thảm khốc của đại dịch Covid-19 là có thể làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột đang diễn ra trên toàn thế giới.

Cảnh báo được đưa ra khi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến diễn ra từ ngày 9 đến 19-11, tại thành phố Glasgow thuộc Scotland (Vương quốc Anh) sẽ bị hoãn do đại dịch.

Châu  Mỹ

Mỹ tiếp tục là nước có số ca mắc bệnh cao nhất thế giới, lên tới 211.408 người, tăng 22.878 ca trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 4.718 bệnh nhân tử vong, tăng 666 ca. Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn bang, có hiệu lực trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 2-4, và chỉ thị cho người dân ở nhà để ngăn ngừa dịch lây lan.

Trước đó, Thống đốc bang Mississippi Tate Reeves đã thông báo lệnh giới nghiêm tại bang này nhằm đối phó với dịch Covid-19.

Trong một diễn biến khác, chính phủ Mỹ và chính quyền bang Florida cũng đã thảo luận về kế hoạch cho phép hàng nghìn hành khách trên tàu du lịch MS Zaandam được lên bờ. Trước đây, chính quyền bang Florida phản đối điều này do lo ngại những người trên du thuyền có thể mang theo mầm bệnh.

Tàu MS Zaandam chở 1.800 hành khách khởi hành từ Buenos Aires (Argentina) ngày 7-3 và dự kiến đến San Antonio gần thủ đô Santiago - Chile hai tuần sau đó. Tuy nhiên, con tàu này đã bị "mắc kẹt" ở Thái Bình Dương, tại vùng biển Panama từ ngày 14-3, sau khi 42 hành khách có các triệu chứng cúm. Một số cảng ở Nam Mỹ từ chối cho du thuyền cập bến và đến nay đã có 4 hành khách trên tàu tử vong.

Châu Âu

Tây Ban Nha tiếp tục chứng kiến số ca tử vong do Covid-19 tăng kỷ lục trong vòng 24 giờ qua với 923 trường hợp, số ca mắc tăng thêm 8.195 người, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 104.118 với 9.387 ca tử vong.

Trong khi đó, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng phong tỏa trên cả nước tới ngày 13-4, đồng thời cho biết, chưa có cơ sở để khẳng định các quy định hạn chế sẽ được nới lỏng sau ngày 13-4. Các quyết định của chính phủ sẽ dựa trên ý kiến của hội đồng khoa học. 

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật trao thêm một số quyền cho nội các nước này, trong đó có việc ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong trường hợp phải áp dụng các biện pháp cách ly và dịch tễ học. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Nga đã ghi nhận 2.777 ca mắc Covid-19 ở 75 khu vực trên cả nước, trong đó 24 người đã tử vong. Nga cũng cho biết, nước này sắp thử nghiệm vắc xin phòng bệnh Covid-19 trên người. Giai đoạn đầu dự kiến sẽ được tiến hành với 60 tình nguyện viên vào ngày 29-6.

Châu Á

Singapore thông báo ghi nhận thêm 74 ca nhiễm mới, mức cao nhất tính theo ngày từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc đảo này lên 1.000 người. Số ca nguy kịch cũng tăng lên tới 24. Đáng chú ý là trong số các ca nhiễm mới trong cùng ngày, có 24 ca không có mối liên hệ với các trường hợp mắc bệnh Covid-19 trước đó. Bộ trưởng Phát triển quốc gia Lawrence Wong, đồng Chủ tịch Lực lượng liên bộ ứng phó với dịch Covid-19 của Singapore bày tỏ lo ngại lớn nhất của ông về các ca nhiễm bệnh không rõ nguồn gốc vì nó cho thấy tốc độ lây lan trong cộng đồng ở mức nào.

Tại Ấn Độ, Công ty đường sắt đã quyết định cải tạo 20.000 toa tàu thành nơi cách ly, góp phần tăng cường các cơ sở phục vụ cách ly và điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Số toa tàu được cải tạo này có thể chứa tới 320.000 giường phục vụ cách ly. Hiện việc cải tạo 5.000 toa đã bắt đầu được tiến hành. 

Tại Israel, các nhà khoa học đã phát triển một robot trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tăng số lượng các mẫu xét nghiệm vi rút SARS-Co-V-2 có thể thực hiện trong cùng 1 lần lên gấp 8 lần so với bình thường. Điểm đặc biệt của phương pháp này là sử dụng thuật toán giúp phát hiện đúng mẫu xét nghiệm bị nhiễm bệnh trong số các mẫu đã được trộn vào với nhau theo nhóm để làm cùng lúc, qua đó rút ngắn thời gian hơn rất nhiều so với việc phải tiến hành xét nghiệm từng mẫu một.

Nhóm nghiên cứu kỳ vọng khi đưa vào áp dụng trên diện rộng, phương pháp này sẽ cho phép kiểm tra một lượng lớn dân số và đánh giá được mức độ lây lan của vi rút SARS-CoV-2 ngay từ trước khi những người mắc bệnh có biểu hiện triệu chứng ra ngoài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trên 930.000 ca nhiễm, Liên hợp quốc gọi đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất sau Thế chiến II

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.