Hiện đã xuất hiện một số ổ dịch nhiễm vi khuẩn viêm não mô cầu. Vi khuẩn não mô cầu thường gây viêm màng não, viêm não, dễ tiến triển sang thể nặng và dẫn đến tử vong. Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin.
Tiêm chủng là cách tốt nhất phòng bệnh viêm não mô cầu. Ảnh: TTXVN |
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, viêm màng não do não mô cầu là bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây nên (hay còn gọi là màng não cầu). Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể lây lan thành dịch, với các biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, chóng mặt, li bì… bệnh nặng có thể dẫn đến hôn mê, sốc và tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 10-20% nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh cũng có thể để lại di chứng như: Điếc, liệt, chậm phát triển trí tuệ, thần kinh…Đây là bệnh dễ lây lan thành dịch và cách tốt nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh.
Bệnh nguy hiểm nhất là với trẻ nhỏ.
Khi nào trẻ có thể tiêm vắc xin phòng viêm não mô cầu?
Hiện nay, có 2 loại vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu, mỗi loại chỉ ngừa được một số chủng vi khuẩn não mô cầu nhất định nên cha mẹ có thể tiêm cho trẻ cả 2 loại để phòng bệnh viêm não mô cầu hiệu quả nhất. Hai loại vắc xin này là:
- Vắc-xin viêm não mô cầu nhóm A và C do Pháp sản xuất được tiêm cho trẻ từ đủ 2 tuổi trở lên. Sau mũi tiêm thứ nhất, có thể tiêm nhắc lại sau mỗi 3-5 năm. Nếu trẻ có tiếp xúc với người bệnh bị nhiễm các chủng vi khuẩn não mô cầu nhóm A và C thì có thể tiêm phòng nếu trẻ trên 6 tháng tuổi.
- Vắc-xin viêm não mô cầu B+C do Cuba sản xuất, là vắc-xin được dùng để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm B và C. Trẻ đủ 3 tháng tuổi trở lên và những ngườisống trong vùng đang có dịch hay phải đi đến vùng dịch có thể tiêm vắc xin này, có thể tiêm 1 mũi nhắc lại sau ít nhất 2 tháng.
Cách phòng bệnh viêm não do vi khuẩn não mô cầu:
- Với trẻ chưa đủ độ tuổi vắc-xin phòng bệnh mà sống gần vùng có người mắc bệnh viêm não mô cầu cần được giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ; thường xuyên rửa tay chân bằng xà phòng cho trẻ, hướng dẫn trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
- Đảm bảo vệ sinh nơi ăn ở của trẻ luôn thông thoáng, sạch sẽ.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc chỗ đông người, nhất là với người mắc bệnh về hô hấp.
- Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cứng cổ, cần đưa con đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
- Với những trẻ đã đủ tuổi tiêm nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.