Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trẻ “có H+” còn thiếu mái ấm tình thương

TUYETMINH| 04/12/2009 16:27

Chúng tôi đã hết phòng cho tụi trẻ, giờ phải chuyển một số em qua chỗ người lớn ở nhờ hoặc giới thiệu tới trung tâm khác”, lời chia sẻ đầy cảm động của một sơ tại Trung tâm nuôi dưỡng người có HIV Mai Hòa – Củ Chi cứ ám ảnh chúng tôi suốt trong chuyến tới thăm các em vào hồi tháng 11/2009 vừa qua.

“Chúng tôi đã hết phòng cho tụi trẻ, giờ phải chuyển một số em qua chỗ người lớn ở nhờ hoặc giới thiệu tới trung tâm khác”, lời chia sẻ đầy cảm động của một sơ tại Trung tâm nuôi dưỡng người có HIV Mai Hòa – Củ Chi cứ ám ảnh chúng tôi suốt trong chuyến tới thăm các em vào hồi tháng 11/2009 vừa qua. Tuy nhiên, hai mươi lăm em nhỏ “có H+” tại Mai Hòa đã rất may mắn bởi đang có hàng ngàn các bạn nhỏ khác ngoài xã hội không có cơ hội được như vậy.


              Nghệ sỹ Xuân Bắc trong buổi trao tặng quỹ "Viết lời yêu thương".

Mái ấm còn nhiều khó khăn

Trong số hơn 300 cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồ côi, nhiễm HIV và trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay, có tới 262 cơ sở tư nhân do các nhà sư, các phật tử, tín đồ công giáo tổ chức quyên góp xây dựng và hoạt động độc lập. Mặc dù đã có nhiều cố gắng đầu tư nhưng số lượng cơ sở bảo trợ xã hội do nhà nước thành lập chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi những điều kiện khó khăn về kinh tế của một nước còn nằm trong diện nghèo như Việt Nam hiện nay.

Theo quy định của nhà nước thì trẻ em nhiễm HIV/AIDS hiện đang sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước được cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng thấp nhất là 240.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra các em được hưởng thêm trợ cấp khác như vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày; trợ cấp mua thuốc chữa bệnh thông thường; trợ cấp mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Tuy nhiên đứng trước “cơn bão” giá cả như hiện nay thì số tiền trợ cấp trên trở nên quá nhỏ nhoi và phải cố gắng lắm thì các trung tâm bảo trợ nhà nước mới kham nổi chi phí nuôi dưỡng các em trong nhiều năm.

Nếu các trung tâm bảo trợ xã hội nhà nước còn được nguồn kinh phí ổn định hàng năm thì các cơ sở chăm sóc tư nhân lại phải hoàn toàn dựa vào tình thương của xã hội. Nguồn thu để chăm sóc những thân phận bé bỏng nhưng sớm gặp bất hạnh khi “có H” trong cơ thể chủ yếu dựa vào lòng hảo tâm, thiện nguyện của những cá nhân haytổ chức xã hội trong và ngoài nước. Những trung tâm chăm sóc người có HIV khang trang, sạch sẽ như Mai Hòa, Tam Bình (TP.HCM), chùa Bồ Đề (Gia Lâm - Hà Nội) vẫn còn là “của hiếm” trong xã hội hiện nay trong khi phần đông các cơ sở chăm sóc khác vẫn gặp quá nhiều khó khăn để duy trì hoạt động, tình trạng “quá tải” đã trở nên thường xuyên hơn.

Ngay cả Mai Hòa, một cơ sở tư nhân do tổ chức Công giáo thành lập mà chúng tôi mới ghé thăm cũng đang bắt đầu lâm vào tình trạng “quá tải” do nhận được quá nhiều lời yêu cầu gửi trẻ tới đây chăm sóc. Lúc ban đầu cơ sở này được thành lập mục đích là để chăm sóc những bệnh nhân trưởng thành nhưng tới nay số lượng trẻ “có H+” lại trở thành công dân chính trong cơ sở này, và số lượng đang tăng lên từng ngày.

“Chúng tôi đã hết phòng cho tụi trẻ, giờ phải chuyển một số em qua chỗ người lớn ở nhờ hoặc giới thiệu tới trung tâm khác”, lời chia sẻ đầy cảm động của một sơ tại Trung tâm nuôi dưỡng người có HIV Mai Hòa – Củ Chi cứ ám ảnh chúng tôi suốt trong chuyến tới thăm các em vào hồi đầu tháng 11/2009 vừa qua. Tuy nhiên, hai mươi lăm em nhỏ “có H+” tại Mai Hòa đã rất may mắn bởi đang có hàng ngàn các bạn nhỏ khác ngoài xã hội không có cơ hội được như vậy.

Cần hơn nữa sự quan tâm của xã hội

Hàng năm nhà nước đã tổ chức rất nhiều chương trình từ thiện dành cho đối tượng trẻ em “có H+”, với số tiền quyên góp lên tới hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó là sự đóng góp đáng kể của các tổ chức chức xã hội, công ty, cá nhân có lòng hảo tâm trực tiếp đối với các em mà chúng ta chưa thể thống kê chính xác được. Theo số liệu thống kê tới tháng 8/2009, tại riêng TP HCM, hiện có khoảng trên 6.000 trẻ nhiễm và ảnh hưởng HIV, tuy nhiên lượng trẻ được chăm sóc tại các mái ấm chỉ khoảng 7%. Còn lại 93% số trẻ đang chung sống tại gia đình, hoặc bị bỏ rơi lang thang kiếm sống ngoài đường phố. Cũng theo một khảo sát trước đây được Trung tâm truyền thông sức khỏe TP HCM thực hiện thì kết quả cho thấy, đa số các em đều không biết dùng chung kim tiêm khi sử dụng ma túy, quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người là đối diện với nguy cơ bị lây nhiễm HIV. Thậm chí một số em còn cho rằng, AIDS là bệnh của người lớn và có thể điều trị dễ dàng.

Việt Nam còn là một nước nghèo và chắn chắn chúng ta chưa thể đủ khả năng kinh tế, điều kiện đáp ứng nơi ăn, chốn ở cho 93% số trẻ đang phải sống ngoài xã hội này. Tuy nhiên việc từng bước khắc phục vấn đề trên bằng các chương trình xã hội từ thiện là một cố gắng đáng ghi nhận của không chỉ nhà nước mà còn của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tư nhân có lòng hảo tâm. Bên cạnh những khó khăn vật chất trong cuộc sống hàng ngày đó, những thân phận “có H+” bé bỏng cũng đang rất cần những tình thương, sự quan tâm của cộng đồng nhằm hòa nhập hơn với cộng đồng. Tụi trẻ đang cần cả những lời yêu thương, thăm hỏi, cần một người để chúng có thể thoải mái tâm sự, vui đùa, và để biết rằng xã hội luôn dõi theo, quan tâm tới cuộc sống của chúng.

Mới đây nhất trong khuôn khổ chương trình kêu gọi từ thiện Viết lời yêu thương lần 2, sự kiện “Sao đá bóng từ thiện vì trẻ có H+” do công ty VinaGame tổ chức đã tạo được sự quan tâm lớn của cộng đồng giới trẻ, thay đổi các nhìn nhận của họ về trẻ “có H+”. Bên cạnh đó còn có rất nhiều hoạt động từ thiện khác do các doanh nghiệp tự tổ chức như Vui tết Trung thu cho các em tại Trung tâm lao động số 2 Ba Vì do Công ty CP Truyền Thông Việt Nam tiến hành, v.v…

Thủ tướng chính phủ mới phê duyệt Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Một số chỉ tiêu được đề ra trong kế hoạch bao gồm: ít nhất 50% trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chính sách xã hội theo quy định hiện hành; 100% trẻ em nhiễm HIV trong diện quản lý được chăm sóc, điều trị, tư vấn thích hợp; 100% phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV được cấp miễn phí thuốc kháng HIV; 100% trẻ sơ sinh là con của bà mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm phát hiện HIV ngay sau khi chào đời; 50% cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được cung cấp kiến thức và hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...

Chắc chắn rằng, những cuộc vận động quốc gia vì trẻ em “có H+” tại Việt Nam đang rất cần những kế hoạch, chính sách hỗ trợ từ chính phủ, kết hợp cùng các hoạt động đóng góp từ thiện của các tổ chức xã hội thiết thực như vậy trong tương lai.

T.Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ “có H+” còn thiếu mái ấm tình thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.