Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trao đổi kinh nghiệm xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ trong các trường đại học, cao đẳng

Đình Hiệp| 31/05/2022 13:11

(HNMO) - Sáng 31-5, tại trụ sở Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Ban Dân vận Thành ủy (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ thành phố Hà Nội), UBND thành phố và Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm về việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các trường đại học, cao đẳng.

Các đại biểu tham dự hội nghị trao đổi kinh nghiệm về việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các trường đại học, cao đẳng.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cùng đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng Hà Nội.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết, Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội có 70 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 18.000 đảng viên; có 69 trường đại học, cao đẳng với trên 1.300 giáo sư và phó giáo sư; 3.200 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; hơn 8.500 thạc sĩ; gần 11.000 cử nhân, kỹ sư và tương đương trong mọi lĩnh vực; trên 600.000 sinh viên chính quy các hệ. 

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu đề dẫn, khai mạc hội nghị.

Những năm gần đây, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đại học, cao đẳng đã có nhiều đổi mới theo hướng trao cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục - đào tạo. Những thay đổi đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, ban giám hiệu các trường trực thuộc triển khai hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở gắn với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục - đào tạo.

Theo đồng chí Nguyễn Doãn Toản, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở một số trường đại học thuộc Đảng ủy Khối còn có những hạn chế cần được điều chỉnh, khắc phục. Để nâng cao hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các trường đại học thuộc Khối, đồng chí Nguyễn Doãn Toản đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung vào 4 nhóm nội dung quan trọng. Trong đó, chú trọng đến vai trò của hội đồng trường, ban giám hiệu, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội sinh viên trong thực hiện Quy chế dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng trường.

Tại hội nghị, các tham luận đã làm rõ tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong các trường đại học, cao đẳng Hà Nội. Các tham luận tập trung vào một số nội dung, như: “Phát huy dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong đổi mới quản trị đại học”, “Phát huy dân chủ cơ sở trong việc đổi mới nội dung chương trình và chuyển đổi mô hình đào tạo tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội”, “Mối quan hệ giữa dân chủ cơ sở và tự chủ trong trường đại học”…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao các tác giả dành thời gian, tâm huyết vào nội dung các tham luận, bám sát với chủ đề, yêu cầu của kế hoạch tổ chức hội nghị đề ra. Các tham luận nêu được những vấn đề lý luận và thực tiễn cùng những kinh nghiệm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong các trường đại học, cao đẳng. Trong đó, nhiều bài viết đưa ra những kinh nghiệm để phát huy được vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, quản trị của hội đồng trường, quản lý điều hành của ban giám hiệu.

“Việc phát huy dân chủ mới giải phóng được sức sáng tạo của con người, đặc biệt đối với người học và người dạy trong các trường đại học, cao đẳng. Việc phát huy dân chủ trong nhà trường còn là phát huy dân chủ trong bày tỏ quan điểm về học thuật, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, phát huy vai trò của người đứng đầu; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, công tác tài chính, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học…”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc triển khai giáo dục đại học tự chủ đang là xu thế chung của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Đồng thời, việc không ngừng đổi mới quản trị đại học, nâng cao chất lượng giảng dạy đại học để hội nhập quốc tế cũng như đáp ứng nhu cầu của người học là tất yếu. Vì thế, các nhà trường cần đẩy mạnh phát huy dân chủ, trong đó cần chú trọng đến vai trò nêu gương, tiên phong gương mẫu của đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng, nhất là người đứng đầu, qua đó góp phần đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong toàn xã hội.

Nêu thực tế hiện nay sự cạnh tranh trong giáo dục đại học ngày một tăng lên khi nhiều trường quốc tế gia tăng đầu tư tại Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các nhà trường phải gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ với đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa giáo dục sáng tạo vào trong nhà trường. 

Đồng thời, gia tăng trách nhiệm của các nhà trường, gắn chặt với nhu cầu của thị trường để tăng sức cạnh tranh của thị trường lao động. Trong bối cảnh đó, việc phát huy dân chủ phải xuất phát từ nội tại, tránh bệnh hình thức để tạo chuyển biến thực chất trong lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá cao hơn 50 tham luận đã gửi tới hội nghị với những kinh nghiệm quý trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Nêu bật ý nghĩa cũng như tầm quan trọng việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các trường đại học, cao đẳng Hà Nội thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu Đảng ủy Khối cũng như các nhà trường cần đặt trọng tâm ưu tiên cho công tác này; xây dựng Quy chế dân chủ phù hợp với tình hình thực tiễn từng cơ sở đào tạo; đồng thời phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan.

Đồng chí Lê Hồng Sơn yêu cầu Đảng ủy Khối lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng xây dựng quy chế phối hợp giữa đảng ủy, ban giám hiệu, hội đồng trường. Đặc biệt là khẳng định vai trò của việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong tham quan Phòng truyền thống Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố chụp ảnh lưu niệm với Ban Giám hiệu Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao đổi kinh nghiệm xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ trong các trường đại học, cao đẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.