Mùa xuân đang lấp ló ngoài phố, Tết đang về với mọi nhà. Đây cũng là thời điểm các nghệ sĩ tạo hình công bố những sáng tác tranh, tượng đón Tết.
Qua những tác phẩm mỹ thuật chào Xuân Ất Tỵ, người xem cảm nhận dấu ấn sum vầy, những khởi sắc trong sáng tạo và niềm hy vọng một khởi đầu mới thúc đẩy mỹ thuật Việt Nam phát triển.
Cuộc sum vầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ
Triển lãm “Mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025” do Hội Mỹ thuật Việt Nam mở nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón năm mới tại Nhà triển lãm số 16 phố Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là cuộc sum vầy các thế hệ nghệ sĩ tạo hình của 5 chi hội tại Hà Nội. Họa sĩ Dương Văn Lưu thể hiện không khí mùa xuân xôn xao vùng núi cao trong “Xuân về 1”.
Họa sĩ Bằng Lâm đem đến tác phẩm sơn dầu trừu tượng “Sóng Trường Sa” với những mảng màu mạnh mẽ. Họa sĩ Phạm Tú Trung đưa công chúng “Du xuân” ở không gian linh thiêng Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Họa sĩ Đinh Thị Nguyệt lại thể hiện sự dịu dàng qua bức tranh “Hoa xuân”…
Hình tượng rắn - con vật biểu trưng của năm Ất Tỵ cũng được nhiều họa sĩ sáng tạo, như họa sĩ Lê Anh Vân đem đến tác phẩm “Rắn bầy” với ý nghĩa sum vầy, đầy đủ. Họa sĩ Lê Huy Văn với tác phẩm “Xuân Ất Tỵ” bằng lụa tạo hình lập thể cùng vầng mặt trời ấn tượng. Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa thể hiện sự quấn quýt, uyển chuyển qua tác phẩm “Ất Tỵ” bằng chất liệu gouache…
Triển lãm tiễn năm cũ, đón năm mới thường niên lần thứ 10 của nhóm nghệ sĩ G39 lần này có tên “Tết Tỵ 2025”, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mở ra một không gian rực rỡ sắc màu với tranh bột màu, xé giấy, khắc gỗ, acrylic, sơn dầu, sơn mài, tượng gốm, tượng sắt…
Ngoài hình tượng rắn trong tranh, tượng của họa sĩ Lê Thiết Cương, hay ở các bình gốm, lọ gốm Hương Canh của tác giả Nguyễn Hồng Quang, các tác phẩm khác đều tái hiện vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh vật, con người rộn ràng, thắm sắc. Như họa sĩ Nguyễn Thanh Quang với phong cảnh làng quê thanh bình; họa sĩ Bình Nhi mang đến những bình hoa rạng rỡ; họa sĩ Vương Linh đem sắc hoa mai, hoa mận vùng cao trở về; họa sĩ Việt Anh và Hoàng Phương Liên đưa người xem hân hoan trảy hội…
Cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mùa xuân này, họa sĩ trẻ Đặng Việt Linh giới thiệu bộ tranh “12 con giáp” trên giấy dó truyền thống được thực hiện trong 12 năm, tạo thành một chuỗi tác phẩm thể hiện khái niệm về sự trường tồn và luân chuyển. Sử dụng chất liệu truyền thống, nhưng họa sĩ đem những nét vẽ hiện đại cùng gam màu tươi sáng, táo bạo kết hợp với bút pháp uyển chuyển đã thể hiện sinh động từng con giáp.
Năm nay, nghệ sĩ Nguyễn Tấn Phát tiếp tục ghi dấu ấn với bộ tượng “Thạch ong xà” gồm 45 bức tượng về con rắn. Tác giả sử dụng chất liệu đá ong đặc trưng của làng cổ Việt Nam, nghệ thuật sơn mài tinh hoa nghề thủ công cùng gỗ mít thân thuộc để tạo hình rắn mang nhiều ý nghĩa…
Đánh dấu bước tiến sáng tạo mới
Hình tượng con rắn ít được giới mỹ thuật quan tâm sáng tác, do nhiều người sợ độc rắn và con vật này cũng khó tạo hình. Song, cũng có quan niệm rằng, rắn là con vật đại diện cho sự thông minh, sinh sôi mãnh liệt và sức sống dẻo dai, linh hoạt. Ngoài ý nghĩa đó, rắn còn gắn liền với đời sống nông nghiệp của người Việt Nam, biểu trưng cho yếu tố thủy tính, nguồn cội của sự ấm no, trù phú. Nên khác với dự đoán, năm nay, nhiều nghệ sĩ sáng tạo với hình tượng con vật này và tạo được dấu ấn.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, hình tượng rắn rất gần với Phật giáo. Tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt với hai ý nghĩa chính là vật tổ và thủy thần... Đồng quan điểm, họa sĩ Lê Anh Vân, tác giả tác phẩm “Rắn bầy” chia sẻ, hình tượng con rắn càng thách thức thì càng kích thích nghệ sĩ sáng tạo. Vấn đề là các tác giả không tả thực con rắn mà mượn sự uyển chuyển, uốn lượn cũng như phong cách tạo hình riêng để hình tượng rắn không còn đáng sợ mà đầy tính thẩm mỹ, đồng thời nói lên những ý tưởng, khát vọng của cuộc sống.
Hào hứng giới thiệu bộ tượng “Thạch ong xà”, nghệ sĩ Nguyễn Tấn Phát cho biết, anh tạo hình rắn gấp khúc hiện đại, quấn chặt lấy đá ong, biểu trưng cho sự phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn luôn bảo vệ, gìn giữ truyền thống và văn hóa dân tộc. Họa sĩ trẻ Đặng Việt Linh khởi đầu bộ tranh “12 con giáp” từ năm Quý Tỵ 2013 và đến Xuân Ất Tỵ này mới công bố. Họa sĩ cho hay, bộ tranh gửi gắm ước mơ, khát khao cho mỗi năm mới đến.
Các nghệ sĩ mỹ thuật sáng tác và ra mắt tranh, tượng về con giáp của năm mới, về mùa xuân, cảnh vật, cây cối, hoa lá… vào dịp Tết không chỉ dành cho công chúng mà còn đánh dấu khởi đầu mới, hứa hẹn nhiều bước tiến trên chặng đường tiếp theo.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, bên cạnh những nghệ sĩ kỳ cựu, đời sống sáng tác mỹ thuật trong năm qua xuất hiện nhiều gương mặt mới, triển vọng, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nền mỹ thuật Việt Nam. Từ đây có thể hứa hẹn một cuộc đổi mới lần thứ hai của nền mỹ thuật đương đại nước nhà. Điều này cũng đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải “vươn mình” trong sáng tạo và cống hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.