Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi''

Khánh Ly| 26/10/2017 06:57

(HNM) - Hôm qua 25-10, trong ngày làm việc thứ ba của kỳ họp thứ tư, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch, các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ những bất cập và cho rằng, việc thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tại dự án luật có thể gây ra tình trạng

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Viết Thành


Quy trình lập quy hoạch cần bảo đảm tính tổng thể

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, tại kỳ họp trước, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Quy hoạch. Đa số các ý kiến phát biểu đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của dự thảo luật. Do đó, tại kỳ họp trước, Quốc hội quyết định chưa thông qua dự án luật này để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật quy định, quy trình lập quy hoạch bao gồm từ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất, sau đó mới lập quy hoạch ngành quốc gia, vùng quốc gia và quy hoạch tỉnh. Như vậy, bảo đảm trình tự quy hoạch cao lập trước, quy hoạch thấp lập sau. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành toàn bộ quy hoạch từ cấp cao đến cấp thấp nhất và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành sẽ mất không dưới 5 năm.

Đơn cử tại Hà Nội, quy hoạch chung đã được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến nay có huyện vẫn chưa lập xong quy hoạch. "Nếu việc lập quy hoạch ở cấp dưới chậm như vậy, sau 5 năm quy hoạch cấp trên sẽ đến kỳ điều chỉnh, quy hoạch cấp dưới dựa vào đâu” - đại biểu đặt câu hỏi. Một vấn đề đáng ngại nữa theo đại biểu, quy định quy hoạch cấp dưới khi lập và gặp phải vấn đề mâu thuẫn vẫn phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch cấp trên. Trong khi, quy hoạch cấp dưới là cụ thể hóa của quy hoạch cấp cao. Khi việc cụ thể hóa không phù hợp, vẫn không được điều chỉnh. Phải chăng điều này khiến quy hoạch mang tính miễn cưỡng?

Nêu bất cập về thời kỳ quy hoạch, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, thời kỳ quy hoạch 10 năm là quá ít, quy hoạch vùng phải 20-30 năm, quy hoạch quốc gia phải 50 năm. Cùng quan điểm, theo đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa), thời kỳ quy hoạch nêu trong dự thảo 10 năm là quy định cứng nhắc; cần phải tính thời kỳ quy hoạch dài hơn, trong đó thời kỳ ngắn nhất là 10 năm chứ không nên quy định cứng.

Đề cập tình trạng quy hoạch "treo", đại biểu Đinh Văn Nhã (Đoàn Phú Yên) phản ánh, người dân bày tỏ sự lo ngại về quy hoạch "treo". Do đó, khi tổ chức thực hiện, mỗi nhóm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, kể cả quy hoạch tỉnh nên thiết kế một hệ thống các điều kiện quản lý, kiểm tra, giám sát, nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch.

Không thể mạnh ngành nào, ngành ấy quy hoạch

Nhận xét về quy hoạch ngành, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) nói: Nếu căn cứ theo dự thảo thì mạnh ngành nào ngành ấy quy hoạch, khó khắc phục được tình trạng quy hoạch không thống nhất. Vì vậy, cần thực hiện từ cấp cơ sở rồi đến cấp quốc gia, tránh tình trạng, quy hoạch chồng quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) cho rằng, việc lập quy hoạch phải trải qua nhiều thủ tục, nhưng lại không làm rõ vai trò của Hội đồng thẩm định là cơ quan nào (cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý hay là cấp trên của chính quyền địa phương)? Trong khi đó, dự thảo luật giao quyền lực cho cơ quan này lại rất lớn. Vì vậy, phải quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), một việc chỉ giao một cơ quan thực hiện và thực hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương. Theo đại biểu, Hội đồng thẩm định quy hoạch nên là cơ quan tư vấn, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ. Chỉ những thành phố lớn mới cần có Hội đồng thẩm định. Với những tỉnh quy mô nhỏ, có thể giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tư vấn...

Liên quan đến việc quy định tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tại dự án luật có thể gây ra cách hiểu có tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi'', đại biểu Lê Minh Chuẩn (Đoàn Quảng Ninh) đặt câu hỏi: Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh liệu có phù hợp khi cấp tổ chức quy hoạch là UBND cấp tỉnh? Đại biểu đề xuất, cấp quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch phải cao hơn cấp tổ chức lập quy hoạch.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, Luật Quy hoạch là dự án luật khó. Về quy trình lập quy hoạch, không thể giao cho một cơ quan hay tổ chức nào mà phải nhiều bộ, ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng thực hiện. Khi có mâu thuẫn giữa quy hoạch cùng cấp, nếu quy hoạch ngành và quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia; nếu quy hoạch vùng, tỉnh mâu thuẫn với nhau thì thực hiện theo quy hoạch cấp trên.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng đang có thời kỳ 10 năm. Quy hoạch là việc cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc quy định thời kỳ quy hoạch 10 năm cùng với thời kỳ của chiến lược để bảo đảm sự thống nhất giữa chiến lược và quy hoạch.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Điều 8 của dự thảo luật sẽ được chỉnh lý theo hướng điều chỉnh tầm nhìn của các quy hoạch dài hơn. Cụ thể, tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 đến 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là từ 20 đến 30 năm để bảo đảm tính kế thừa, ổn định lâu dài của quy hoạch. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.