(HNM) - Trong những năm gần đây, với sự vào cuộc tích cực của ngành Công Thương và các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp lễ, Tết, cuối năm được chuẩn bị phong phú, bảo đảm chất lượng, mẫu mã đa dạng, giá hợp lý. Cũng nhờ đó, thói quen mua sắm, tiêu dùng trong dịp lễ, Tết của người dân đã dần thay đổi, không còn phải lo tích trữ thực phẩm dịp Tết để tránh những nguy cơ, hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe.
Tích trữ thực phẩm - thói quen gây hại
Nhiều người Việt có thói quen tích trữ thực phẩm để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán. Bà Nguyễn Thu Huyền (ở phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Trước đây, khi cuộc sống còn thiếu thốn, bữa ăn hằng ngày thường chưa đầy đủ, người ta hay để dành những của ngon vật lạ cho dịp năm mới, coi đây là dịp vừa nghỉ ngơi, vừa hưởng thụ bù cho một năm vất vả. Cũng vì thế mà thói quen tích trữ thực phẩm vẫn còn ảnh hưởng trong cuộc sống ngày nay. Thêm vào đó, Tết Nguyên đán là dịp sum họp, ăn uống, nên cần tích trữ nhiều thực phẩm. Tủ lạnh đã trở thành vật dụng không thể thiếu của các bà nội trợ trong mỗi dịp Tết".
Thế nhưng, việc làm tưởng như bình thường này lại tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe. Theo bác sĩ Bùi Mai Hương, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), hiện nay hầu hết các gia đình đều có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, sử dụng tủ lạnh không đúng cách cũng có thể gây hư hỏng thực phẩm dẫn đến nguy cơ ngộ độc khi ăn uống.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán, ở các tỉnh, thành phố miền Bắc hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển, nên thực phẩm dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Còn ở miền Nam, thời tiết nóng, nhiệt độ cao, cũng khiến các sản phẩm có nhiều đạm (thịt, cá, cua, tôm...) rất dễ bị hỏng. Ngoài ra, tích trữ quá nhiều loại thực phẩm vào cùng chỗ, chỉ cần một món bị nấm mốc sẽ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm các vi khuẩn, nấm mốc sang các thực phẩm khác.
Theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2019, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 58 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.668 người bị ngộ độc, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Riêng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, cả nước đã có hơn 3.700 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa. Trong đó, có hơn 800 trường hợp ngộ độc thức ăn tự chế biến (tăng 23%) so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý, việc mua sắm khối lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, hay lưu trữ thức ăn lâu ngày trong dịp Tết... có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Người dân nên thay đổi thói quen tiêu dùng trong dịp Tết. Thêm vào đó, thị trường thực phẩm dịp cuối năm luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông, đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng, nhãn mác đầy đủ. Đặc biệt, không nên có thói quen tích trữ thực phẩm, mà nên mua đến đâu sử dụng hết đến đó.
Bảo đảm nguồn cung thực phẩm
Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân trong dịp Tết. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
Chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng các dịp lễ và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) khẳng định, ngay từ đầu năm 2019, Hapro đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa, thương thảo hợp đồng với các nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn hàng chất lượng, giá tốt nhất cho người tiêu dùng, tập trung vào các mặt hàng như: Gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang muối; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt ba chỉ xông khói, thịt gà hun khói; giò các loại... Đồng thời đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố phía Bắc để khai thác các mặt hàng đặc sản vùng miền. Ước tính, giá trị tổng lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 đạt 768 tỷ đồng.
Cũng là một trong những đơn vị tích cực tham gia bình ổn thị trường, ngay từ giữa năm 2019, hệ thống siêu thị Big C đã chuẩn bị lượng hàng hóa phong phú, chất lượng bảo đảm, nhất là các loại nông - lâm - thủy sản, đặc sản vùng miền phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Vũ Thanh Tân, đại diện siêu thị Big C, để kích cầu tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ người dân yên tâm mua sắm tiết kiệm, thời điểm trước và trong Tết, Big C sẽ triển khai nhiều chương trình như “Vui Tết Việt”, giảm giá 20-49% các mặt hàng; “Khóa giá trong suốt 40 ngày trước Tết”, giữ giá cố định như đã niêm yết trong 6 tuần trước Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh; hay chương trình “Giá luôn luôn thấp” áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm thiết yếu...
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu và có biến động tăng giá trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng làm tăng giá đột biến.
Không chỉ chuẩn bị sẵn nguồn hàng, Hà Nội còn triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa với các địa phương khác, bình ổn thị trường nhằm tránh tình trạng sốt giá. Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh: “Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ là thời điểm “nóng” về vấn đề an toàn thực phẩm, người dân nên thay đổi thói quen tích trữ nhiều thực phẩm dịp Tết. Tốt nhất chỉ nên chuẩn bị đủ dùng tối đa 2-3 ngày. Với sự vào cuộc tích cực của ngành Công Thương và các doanh nghiệp sản xuất, phân phối; hàng hóa phong phú, không khan hiếm, dịch vụ đáp ứng tận nơi, thậm chí phục vụ cả đêm 30 Tết, sau ngày mùng 1 Tết đã mở cửa bán hàng… bảo đảm ổn định hàng hóa phục vụ thị trường, nên người dân không lo thiếu hàng, giá tăng đột biến".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.