(HNMO) - Vào những ngày nắng nóng gay gắt, nhiều người thường hạ nhiệt, làm mát cơ thể bằng các biện pháp như: Uống nước đá, bật điều hòa nhiệt độ thấp, tắm gội ngay khi đi từ ngoài nắng về... Tuy nhiên, sự thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột có thể khiến cơ thể bị sốc nhiệt, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nắng nóng khiến tăng số bệnh nhân viêm phổi
Những ngày nắng nóng gay gắt này, khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận trung bình từ 20-30 bệnh nhân/ngày, tăng nhẹ so với thời điểm bình thường khác. PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời tiết nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đột quỵ, sốc nhiệt, rối loạn điện giải... mà nó chỉ là yếu tố thuận lợi làm gia tăng nguy cơ dẫn đến những bệnh này.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, có 3 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, đó là trẻ em, người cao tuổi và những người mắc bệnh mạn tính, như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, rối loạn mỡ máu... Cụ thể, trong thời tiết này, ở những lớp học tại nhà trẻ, ở trường học, nếu không đủ điều kiện thông khí, thoáng mát, trẻ dễ bị mất nước. Hơn nữa, với những trẻ phải đi học xa nhà, việc tự đạp xe dưới trời nắng nóng rất nguy hiểm. Đặc biệt, trẻ đi ra ngoài mà không được trang bị đầy đủ quần áo, mũ chống nóng dễ bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt...
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, ở người cao tuổi, khả năng chống chịu với sự thay đổi của thời tiết kém, nhất là khi nắng nóng kéo dài. Ở người lớn, trung bình nước chiếm từ 65-66% trọng lượng cơ thể. Nắng nóng, mồ hôi ra nhiều khiến cơ thể cần được bổ sung nước kịp thời. Tuy nhiên, ở người cao tuổi, chức năng cảm giác khát kém đi khiến nhu cầu uống nước rất ít. Vì vậy, những ngày nắng nóng, người cao tuổi nhập viện do rối loạn điện giải tăng lên. Rối loạn điện giải cũng là nguyên nhân gây rối loạn tim mạch, đột quỵ, sốc do nhiệt... "Nắng nóng còn khiến những người có bệnh mạn tính ăn, ngủ kém, không điều độ, uống thuốc không đầy đủ, không đến bệnh viện tái khám định kỳ nên cũng dễ có nguy cơ phải nhập viện do bệnh tái phát, gây biến chứng...", PGS.TS Nguyễn Văn Chi nói.
Tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, trung bình mỗi ngày có từ 30-40 người cao tuổi phải nhập viện vì những bệnh lý có liên quan đến nắng nóng, trong đó có không ít trường hợp rơi vào tình trạng nguy kịch. Theo bác sĩ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa trung ương, thường người ta hay nghĩ đến trời lạnh mới gia tăng bệnh nhân bị viêm phổi. Thế nhưng, trong những ngày nắng nóng, số bệnh nhân cao tuổi bị viêm phổi nhập viện tăng cao, trong đó có những trường hợp rất nặng. Nguyên nhân là ở người cao tuổi, khả năng chống chịu với sự thay đổi của thời tiết kém. Đặc biệt, khi nắng nóng kéo dài, nhu cầu làm mát rất lớn. Việc sử dụng điều hòa với sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ trong phòng với bên ngoài, hay việc tắm ngay nước lạnh khi đi nắng về, uống nước đá để hạ nhiệt cơ thể... là những sai lầm dẫn đến tình trạng viêm phổi ở người cao tuổi gia tăng.
Những biện pháp bảo vệ cơ thể ngày nắng nóng
Với những người vẫn phải làm việc ngoài trời, PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo: Nếu phải làm việc lâu ở ngoài trời, di chuyển một quãng đường dài khi trời nắng nóng thì cố gắng tránh thời điểm từ 12-16h. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn ánh nắng. Đặc biệt, sau khi di chuyển trong khoảng thời gian nhất định giữa nắng nóng cần tìm nơi thoáng mát để hạ nhiệt cơ thể, uống đủ nước để phòng mất nước...
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra lưu ý, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh thường chỉ quan tâm đến chủng loại điều hòa mà không quan tâm đến công suất phù hợp với phòng ở. Do đó, có những người bật điều hoà 28 độ C vẫn lạnh, trong khi có người để tới 22 độ C vẫn nóng. Cả hai trường hợp này đều ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Vì vậy, nếu phòng có 4 người, lại nhiều đồ đạc thì nên dùng điều hòa công suất lớn hơn. Còn nếu phòng chỉ có 1-2 người thì dùng loại công suất nhỏ hơn. Cách tốt nhất là phụ huynh nên để nhiệt độ điều hòa cao khoảng 28 độ C rồi theo dõi cơ thể của trẻ. Nếu thấy trẻ vẫn nóng bức, ngủ không yên thì sau 10 phút giảm xuống 1 độ C. Ngoài ra, mỗi phòng khi sử dụng điều hòa đều cần có một hệ thống thông khí giúp không khí trong phòng được lưu thông, như vậy, trẻ sẽ thấy thoải mái hơn.
Để phòng ngừa tai biến do nắng nóng, PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, sau khi đi nắng về nên ngồi nghỉ ngơi chừng 30 phút, lau hết mồ hôi đến khi cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo, cơ thể không còn nóng như lúc mới về rồi hãy đi tắm. Ngược lại, trước khi ra ngoài, nên tắt điều hòa 15-20 phút để tránh sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa trong nhà và ngoài trời.
Những ngày nắng nóng, nên bổ sung nước đầy đủ, tăng cường ăn hoa quả, tập thể dục, ngủ đủ giấc... để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.