Trong những ngày hè nắng gắt, kem chống nắng đã trở thành “vật bất ly thân” của nhiều chị em.
Tuy nhiên, không ít người đã và đang lạm dụng kem chống nắng với suy nghĩ sai lầm: Càng bôi nhiều, bôi liên tục thì làn da sẽ được bảo vệ tối đa, tránh đen sạm trong mùa hè.
Bôi kem chống nắng vào... ban đêm
Ánh nắng mặt trời, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm của mùa hè được coi là kẻ thù số 1 của làn da, nhất là khi chúng ta phải tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng có cường độ gay gắt. Điều này dễ gây nên các vấn đề về da như cháy nắng, lão hóa sớm, da “vỏ cam” (da xuất hiện nếp nhăn, sần sùi), thậm chí ung thư da.
Chính vì vậy, việc bôi kem chống nắng là điều cần thiết, không chỉ mang ý nghĩa làm đẹp mà còn giúp bảo vệ sức khỏe làn da khỏi tác nhân gây hại.
Tuy nhiên, hiện nay kem chống nắng đang được quảng cáo nhiều trên các mạng xã hội với những “lời có cánh”: Kem chống nắng giống như một lớp "áo giáp" bảo vệ làn da tuyệt đối khỏi tổn thương gây ra bởi các tia cực tím (UV), trong đó có tia UVA và UVB từ ánh mặt trời; kem chống nắng còn giúp làn da chống lại tia sáng xanh từ điện thoại, tivi, máy tính...
Tin tưởng vào những lời quảng cáo này, không ít chị em cho rằng kem chống nắng là bước không thể thiếu khi chăm sóc da, đặc biệt trong mùa hè.
Nhiều chị em thậm chí còn lo xa, cho rằng phải bôi kem chống nắng ngay cả khi ở trong nhà, khi ngồi trước màn hình máy tính hay sử dụng điện thoại di động để bảo vệ da triệt để khỏi ánh sáng xanh có hại từ các thiết bị này. Chính bởi thế, đang có nhiều người sử dụng kem chống nắng 24/7, kể cả khi đi ngủ vào ban đêm.
Vitamin D hay còn gọi là vitamin mặt trời. Khác với các loại vitamin khác, chúng ta có thể nhận được vitamin D thông qua việc phơi nắng, thực phẩm cũng như qua các dạng bổ sung bằng đường uống.
Tuy nhiên, việc quảng cáo “quá lố” về công dụng của kem chống nắng trên các mạng xã hội hiện nay đang khiến một số chị em quên đi việc phơi nắng quan trọng thế nào với con người. Việc thiếu hụt vitamin D khiến con người dễ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, loãng xương và các bệnh mạn tính khác.
Đáng ngại hơn, việc thiếu hụt vitamin D có thể gây ra một số bệnh ung thư, trong đó có ung thư hắc tố da - một trong những ung thư ác tính. Do đó, việc tiếp xúc với tia UV cũng đem lại lợi ích về việc tổng hợp được vitamin D và nhiều lợi ích khác, không nên có suy nghĩ phải chống ánh nắng “triệt để” bằng việc lạm dụng kem chống nắng.
Những sai lầm khi dùng kem chống nắng
Trên thực tế, các loại kem chống nắng cũng chứa một số chất hóa học có liên quan đến nguy cơ bị ung thư da nếu quá lạm dụng như oxybenzone, hương liệu tổng hợp và retinyl panmitate (vitamin A). Oxybenzone là một chất gây ra sự rối loạn nội tiết, có liên quan đến suy giảm số lượng tinh trùng và lạc nội mạc tử cung.
BS.CKII Da liễu Nguyễn Phương Thảo, Phòng khám chuyên khoa Da liễu Pensilia khuyến cáo, việc bôi kem chống nắng cần cân nhắc giữa lợi và hại. Bất cứ sản phẩm nào cũng cần dùng đúng cách, đúng thời điểm và đúng liều lượng... Phụ nữ đang ở trong nhà, trong phòng kín không cần bôi kem chống nắng. Việc lạm dụng kem chống nắng chính là "tự tay" làm hại làn da, có thể khiến cho lỗ chân lông to lên, gây bít tắc lỗ chân lông, khiến da nổi mụn...
“Tôi đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp lạm dụng mỹ phẩm, kem chống nắng. Đến khi da bị tổn thương thì tiếp tục dùng BHA, AHA để điều trị, khiến cho da mỏng hơn... tạo điều kiện để nám sạm xuất hiện” - bác sĩ Thảo cho biết.
Các chuyên gia về da liễu khuyên rằng, nên bôi kem chống nắng trước khi ra đường 30 phút, tránh bôi kem chống nắng quá sát giờ ra đường sẽ không phát huy được tác dụng. Các chị em cũng lưu ý chọn loại chống nắng chống được đầy đủ các tia, bao gồm SPF (chống UVB), PA (chống UVA), HER Vi (chống ánh sáng nhìn thấy được), IR (chống hồng ngoại).
Thông thường, lượng kem chống nắng bằng 1 đốt ngón tay là đủ để bôi được toàn bộ khuôn mặt. Ngoài da mặt, chị em nên chú ý bôi kem chống nắng ở vùng mắt, cổ, bàn tay; phải rửa mặt sau khi bôi kem chống nắng 3 - 4 tiếng và nếu cần thì bôi lại lần 2, không nên để kem chống nắng lưu trên da quá lâu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.