(HNM) - Trong tháng 3 vừa qua, cơ quan chức năng đã mời một số chủ tài khoản Facebook ở các tỉnh, thành lên làm việc, nhắc nhở và xử phạt hành chính vì đưa thông tin sai sự thật... Qua đó cho thấy, việc nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội là rất cần thiết...
Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với nội dung chính là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội. Ảnh: Anh Tuấn |
Nhiều chủ tài khoản bị nhắc nhở, xử phạt
Đầu tháng 3 vừa qua, khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu lan rộng tại một số địa phương và đăng tải trên các phương tiện truyền thông thì trên mạng xã hội, không ít chủ tài khoản cũng “bắt trend” (theo xu hướng) đưa thông tin về bệnh dịch. Điều đáng bàn ở chỗ, trong khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã được các nhà khoa học, bác sĩ trên thế giới và Việt Nam khẳng định không lây sang người, thì không ít chủ tài khoản Facebook khẳng định lây sang người, rồi kêu gọi cộng đồng tẩy chay thịt lợn. Nổi lên trong số này có fanpage Đầm bầu thời trang Mami (địa chỉ cửa hàng tại các quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy - Hà Nội) đăng tải thông tin thịt lợn vùng dịch được chế biến, nấu ăn sẽ lây sang người nên phải tẩy chay thịt lợn kèm ảnh minh họa lấy lại từ các báo điện tử phản ánh về bệnh sán dây ở lợn năm 2018. Hành vi vi phạm này của chủ tài khoản đã bị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phạt hành chính 20 triệu đồng.
Nhưng “Đầm bầu thời trang Mami” không phải là cá biệt. Từ ngày 12 đến 27-3, Sở TT-TT các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Đắk Nông và Công an huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) cũng đã liên tiếp mời các cá nhân là chủ tài khoản Facebook, fanpage Facebook đến làm việc để nhắc nhở, yêu cầu đính chính và xử phạt tiền vì đã “xào, nấu” thông tin, cắt ghép hình ảnh trên internet để đăng tải sai sự thật, bịa đặt về thịt lợn nhiễm sán...
Đáng chú ý, những thông tin bịa đặt, sai sự thật mà các chủ tài khoản vi phạm đăng tải nhận được rất nhiều lượt thể hiện ủng hộ, tán phát tiếp và bình luận với lời lẽ tiêu cực, gây hoang mang dư luận. Vấn đề ở chỗ, sau khi bị nhắc nhở, xử phạt, các chủ tài khoản vi phạm đã phải gỡ thông tin, hình ảnh bịa đặt, đăng tải lời đính chính, xin lỗi, song những người đã thể hiện ủng hộ, chia sẻ tán phát, viết lời bình luận tiêu cực dường như không có động thái sửa sai khi chính mình cũng tham gia phát tán tin giả. Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông thuộc Bộ TT-TT cho rằng, sự hạn chế về nhận thức của người sử dụng, vội vã trong tương tác, suy nghĩ chưa thấu đáo, không kiểm tra tính xác thực của thông tin trên mạng xã hội… là những nguyên nhân để tin tức giả có môi trường thuận lợi phát tán trên diện rộng. Thêm nữa, tin tức giả tràn lan còn do người dùng cho rằng mạng xã hội là “ảo” nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm. Qua kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) về sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam cho thấy: Nói xấu, phỉ báng chiếm 61,7%; vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%.
Cần thể chế “mềm” để ngăn chặn
Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Để ngăn chặn nạn tin giả, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy; hợp tác, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Google gỡ bỏ hàng nghìn tài khoản vi phạm pháp luật, video clip có nội dung xấu độc, bịa đặt, vu khống. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, mặc dù đã có một số chuyển biến, nhưng thực trạng về tin tức giả trên mạng xã hội vẫn còn phức tạp, chưa đáp ứng được hết các yêu cầu trong việc giữ gìn môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Trong một trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo bày tỏ: Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xóa bỏ, mà chỉ có thể hạn chế nó theo hướng, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần có một thể chế "mềm". Vì vậy, Bộ TT-TT xây dựng để ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội...
Về các giải pháp ngăn chặn tin tức giả, theo ông Đỗ Quý Vũ, cần phải thực hiện song song, đồng bộ hai giải pháp. Thứ nhất đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai là không ngừng thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng mạng xã hội. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được xây dựng dựa trên sự “lai ghép” giữa hai giải pháp trên. Trong đó, khuyến nghị, hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội theo các mức độ nên hoặc không nên, phải hoặc không được. Ở mỗi khuyến nghị là những quy định cụ thể dành cho nhóm đối tượng là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước và dành cho người dân.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), thay vì làm cách dàn trải thì trước hết cần tác động nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức trong sử dụng mạng xã hội. Bởi đây là những người có trình độ nhận thức tương đối cao, từ đó tạo sự lan tỏa sang người thân, bạn bè. Bên cạnh đó cần đưa bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào nhà trường, để giáo dục kỹ năng ứng xử, cách thức sử dụng mạng xã hội cho học sinh tiểu học hoặc muộn nhất cũng là cấp cơ sở. Ngoài ra, trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng xử trên mạng xã hội nên lấy đội ngũ nhà báo làm đối tượng tác động trọng tâm. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ này thì chính các nhà báo phải bảo đảm sự chuẩn mực như không phát ngôn trái với quan điểm của tờ báo, với chính bài báo mình viết...
Ông Nguyễn Hải Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho biết, để ngăn chặn tin xấu độc, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên mạng, Trung ương Đoàn đang triển khai các giải pháp thúc đẩy những giá trị tốt đẹp trên mạng xã hội. Cụ thể, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về mạng xã hội và xây dựng mạng xã hội an toàn. Hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” đang được triển khai đến tất cả các cấp bộ đoàn, hội, đoàn viên, thanh thiếu niên trong cả nước với mong muốn tạo ra xu hướng tích cực trên mạng xã hội về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.