(HNMO)- Richard di San Marzano, một họa sĩ Ý và là người quản lý bộ sưu tập mang tên Dogma về nghệ thuật tuyên truyền của Việt Nam, nhận xét: “Các tấm áp phích là một tài liệu lịch sử, nhưng nó cũng là đại diện cho nghệ thuật và sự phát triển của các nghệ sĩ trong nước”. Cuộc triển lãm "Một khí thế cách mạng", sự kiện để San Marzano trưng bày các tác phẩm trong bộ sưu tập Dogma dự kiến sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 8 đến 22/4.
Marzano nói rằng khoảng 1.000 bức tranh trong bộ sưu tập của Dominic Scriven, một chủ ngân hàng đầu tư tại Anh, đã được chuyển tới Việt Nam trong những năm 1990. Ông nhận xét: Trực quan, dễ hiểu, giá rẻ và hiệu quả, các áp phích tuyên truyền của Việt Nam đã truyền tải được thông điệp của nó.
Trong bài viết về tranh cổ động thời kỳ kháng chiến của Việt Nam, CNN viết: Các nghệ sĩ tại miền bắc Việt Nam đã gửi gắm thông điệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh tới tiền tuyến cũng như người dân ở cả hai mặt trận.
Di San Marzano đánh giá, không giống thời Chiến tranh Lạnh, nghệ thuật tuyên truyền của Việt Nam ra đời ngay trong các cuộc chiến tranh. Nó chứa đựng tính thời sự, có nhân vật và phong cách riêng.
Hình ảnh phụ nữ Việt Nam xuất hiện trong những tấm áp phích với những vai trò khác nhau, nhưng đều rất độc đáo và ấn tượng. Theo Marzano, họ giống như những chiến sĩ ngoài mặt trận.
Đánh đuổi ngoại xâm và thực hiện những hoạt động quân sự như bắn hạ máy bay Mỹ là những chủ đề phổ biến trong các tấm áp phích thời gian này.
Một số nghệ sĩ theo học ở Liên Xô hay Đông Âu và thời điểm đó phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa từ Liên Xô ảnh hưởng khá mạnh với các hoạ sỹ Việt Nam, tuy nhiên Di San Marzano lại nhận thấy rằng các tác phẩm cổ động đếu mang những nét riêng biệt. Rất nhiều tấm áp phích thể hiện kỹ năng tinh tế.
Điều khiến Di San Marzano rất ngạc nhiên là hầu hết các tấm áp phích, tranh cổ động đều có chữ ký của tác giả. “Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy chữ ký trên khoảng 80% các bức tranh”, di San Marzano nói.
Biểu tượng Bác Hồ hay hoa sen cũng thường xuất hiện trong những bức tranh cổ động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.