(HNM) - Trong thời gian qua, người dân đã được tạo điều kiện để tham gia vào quá trình dân chủ nhiều hơn...
TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học cho biết, quy hoạch sử dụng đất đai và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội là những vấn đề lớn, có tính bao trùm lên toàn bộ hoạt động đời sống cộng đồng. Hai vấn đề trên có liên hệ nhiều mặt, vừa trực tiếp và gián tiếp, vừa trước mắt vừa lâu dài đối với cuộc sống người dân. Tuy nhiên, theo nghiên cứu trên 1.004 người ở hai tỉnh Hà Nam và Kiên Giang của Viện Xã hội học, số người có biết về quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở xã, phường hiện nay đều rất hạn chế. Chỉ khoảng 6,8-9,5% số người "có biết", "được góp ý" và 12,7-14,9% "chỉ được thông báo" hai nội dung này. Đối với quy hoạch sử đụng đất, tỷ lệ có biết chung là 22,2%, còn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tỷ lệ có biết là 21,9%. Nếu so với kết quả khảo sát trên 1.507 người tại Yên Bái, Nam Định, Đắc Lắc, Bình Định, Cần Thơ năm 2001, cũng của Viện Xã hội học, thì tỷ lệ "có biết" đối với cả quy hoạch và kế hoạch nêu trên đều giảm hơn 2 lần. Năm 2001, tỷ lệ có biết là 52%, trong đó được góp ý là 17%, chỉ được thông báo là 35%. Với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội là 50%, trong đó được góp ý là 19%, chỉ được thông báo là 31%.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân có điều kiện phát biểu, tham gia vào quá trình dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Bá Hoạt |
Tham gia vào các cuộc họp là hình thức thể hiện tập trung nhất của dân chủ trong sinh hoạt tổ chức và cộng đồng. Tại thời điểm năm 2011, có 65,4% đại diện hộ gia đình cho biết bản thân họ có đi họp, ít nhất một lần trong 12 tháng. Số người trả lời không đi họp là 34,6%. Với tỷ lệ 1/3 số người không đi họp ở bất kỳ cuộc họp nào trong 12 tháng cho thấy còn bộ phận không nhỏ người dân chưa quan tâm tham gia họp bàn công việc chung. So với năm 2001, tỷ lệ người dân tham gia các cuộc họp hiện nay thấp hơn (65,4% năm 2011 so với 74,3% năm 2001). Ngoài ra, nghiên cứu của Viện Xã hội học còn cho thấy, tỷ lệ người dân được tham gia bàn bạc ở tất cả các lĩnh vực ở năm 2011 đều thấp hơn so với năm 2001. Cụ thể, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội là vấn đề giảm nhiều nhất (giảm 21,4%), tiếp theo là vay vốn tín dụng (giảm 14,5%).
Dân không quan tâm đến kiểm tra?
Người dân có quyền tham gia kiểm tra, giám sát là phần nội dung quan trọng được quy định trong Pháp lệnh Quy chế dân chủ. Với tất cả những gì thuộc nội dung quy định người dân phải được thông tin, được biết và tham gia thảo luận, bàn bạc, thực hiện… thì người dân cũng có quyền kiểm tra, giám sát kết quả cùng quá trình thực thi các nội dung công việc đó. Việc giám sát của người dân có thể được thực hiện trực tiếp hoặc thông qua người đại diện. Ở kết quả khảo sát gần đây, tỷ lệ người dân được kiểm tra, giám sát đều giảm. Đơn cử, năm 2001, tỷ lệ người dân được tham gia giám sát giải quyết khiếu nại là 49,6%. Con số này năm 2011 giảm xuống còn 34,9%. Vấn đề này đặt ra câu hỏi tại sao người dân có cơ hội được tham gia, giám sát nhiều hơn, nhưng việc giám sát trực tiếp hay thông qua người đại diện lại thấp hơn? Câu trả lời có lẽ nằm ở phương án "không quan tâm" bởi số người trả lời là họ không quan tâm đều chiếm tỷ lệ cao nhất, trên 50% ở tất cả các nội dung tham gia giám sát giải quyết khiếu nại, giám sát thi công, nghiệm thu, giám sát quản lý và sử dụng đất, giám sát thu chi các quỹ. Việc hầu hết người dân thấy họ không được giám sát hoặc họ không thể quan tâm tới quyền được giám sát đã cho thấy có khoảng trống lớn trong công tác kiểm tra, giám sát, hoặc các hoạt động kiểm tra giám sát chỉ mang tính hình thức. Bí thư Chi bộ xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chia sẻ: "Các hoạt động giám sát ở đây chưa tốt.
Đội ngũ giám sát thiếu, còn kiêm nhiệm. Cán bộ có thông báo về kết quả giám sát nhưng người dân chưa có cơ chế giám sát".
Theo TS Trịnh Hòa Bình, qua hai cuộc điều tra, bức tranh về sự tham gia của người dân vào quá trình dân chủ cơ sở hiện nay thiếu sáng sủa hơn so với 10 năm trước. Nhưng cũng cần thấy rõ rằng, trên thực tế, chủ trương của Đảng và Nhà nước về dân chủ ngày càng tốt hơn, người dân được tạo cơ hội để tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước nhiều hơn. Bên cạnh đó, đã có sự thay đổi rõ ràng về cơ chế hoạt động hành chính tại UBND xã, phường. Để dân chủ ngày càng được phát huy, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở phải tránh bệnh hình thức, như vậy mới có thể góp sức xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.