(HNM) - Theo kế hoạch, từ hôm qua (1-6), khoảng 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên khẳng định, Bộ đang xây dựng văn bản hướng dẫn các bệnh viện triển khai Thông tư số 02/2017/TT-BYT. Trước mắt, việc tăng giá viện phí được lùi lại thêm ít ngày để người dân kịp mua thẻ bảo hiểm y tế, tránh rơi vào “bẫy nghèo” khi không may phải nằm viện.
Với việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, người không có bảo hiểm y tế bị tác động nhiều nhất. |
Gấp rút mua bảo hiểm y tế...
Có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai sáng 1-6, chúng tôi ghi nhận các hoạt động khám, chữa bệnh diễn ra bình thường. Ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp cho biết, dù đã có chủ trương tăng viện phí từ ngày 1-6, nhưng bệnh viện vẫn phải đợi chỉ đạo của Bộ Y tế. Hơn nữa, mỗi đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế, bệnh viện cũng cần chuẩn bị chu đáo, khoa học và hợp lý, vì nếu triển khai không phù hợp sẽ gây xáo trộn, tác động lớn tới người bệnh.
Là lao động tự do, anh Lương Duy Nam (20 tuổi ở huyện Duy Tiên, Hà Nam) không mấy quan tâm đến thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, khi nhận được thông tin về việc sẽ tăng giá viện phí, anh lo lắng: "Mỗi lần vào viện tôi thường khám dịch vụ. Nhưng tôi vừa nhận kết quả khám bệnh bị viêm gan B nên tôi sẽ mua ngay thẻ BHYT. Vì tới đây, khi viện phí tăng, nếu không có thẻ BHYT tôi sẽ gặp nhiều khó khăn"...
Ghi nhận tại Khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) vào 10h sáng 1-6 cho thấy, nhiều bệnh nhân chia sẻ chi phí điều trị bệnh quá tốn kém khi không có thẻ BHYT. Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân Võ Đình Sĩ (27 tuổi ở Nghệ An) phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hơn một tháng sau tai nạn lao động bị bỏng điện sâu bàn tay trái. Vì không có thẻ BHYT nên chi phí điều trị mỗi ngày 1,5 triệu đồng và số tiền viện phí đã lên tới 40 triệu đồng…
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, bệnh nhân có thẻ BHYT có tâm lý yên tâm điều trị dài ngày. Ngược lại, bệnh nhân không có thẻ BHYT thường xin về sớm khi cảm thấy sức khỏe khá hơn, vì lo không đủ điều kiện chi trả viện phí. Theo bác sĩ Nguyễn Thống, việc tăng viện phí là gánh nặng cho cả người bệnh và bác sĩ. Có những bệnh nhân phải bỏ chi phí cả 100 triệu đồng để điều trị trong ba tháng. Như vậy, nếu không có thẻ BHYT thì không chỉ người nghèo, mà cả người giàu cũng “khóc” khi nhập viện.
Là bệnh viện hạng đặc biệt, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Trong số này có bệnh nhân không có thẻ BHYT, nhưng chi phí điều trị bệnh lên đến hàng trăm triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, hiện có khoảng 30-40% người vào cấp cứu ở bệnh viện không có thẻ BHYT. “Những ngày tới khi viện phí tăng, giường hồi sức cấp cứu đã gần 700.000 đồng/ngày, chỉ bằng tiền mua thẻ BHYT dùng trong cả năm. Do đó, người dân nên tham gia BHYT từ khi còn khỏe mạnh” - bà Hường khuyên.
Giảm “nghèo hóa” do chi phí y tế
Giải quyết hồ sơ thăm khám, điều trị theo bảo hiểm y tế. |
Đề cập đến vấn đề "bao nhiêu người chịu tác động của đợt tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết, so với giá dịch vụ khám, chữa bệnh đang áp dụng, mức tăng giá tới đây sẽ có thêm chi phí tiền lương của nhân viên y tế và tăng khoảng 50%. Song, đây chỉ là mức tăng về giá dịch vụ y tế không phải tăng tổng chi phí cho khám, chữa bệnh. Bởi trong tổng chi phí khám, chữa bệnh thì tiền thuốc, máu dịch truyền chiếm khoảng 60-70%. Do đó, sau khi tăng giá dịch vụ y tế thì tổng chi phí khám, chữa bệnh với người tự chi trả ước tăng trung bình khoảng 10%.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, đã có 81,7% dân số với gần 76 triệu người đã có thẻ BHYT. Như vậy, chỉ còn 18,3% dân số chưa tham gia BHYT sẽ chịu tác động của Thông tư 02/2017/TT-BYT. Trong số người dân chưa tham gia BHYT cũng có một bộ phận khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ không chịu tác động của đợt tăng giá lần này. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là theo lộ trình của Chính phủ để giảm bao cấp qua giá và hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi mua thẻ BHYT.
Giải pháp chính để giảm thiểu số người có thể "nghèo hóa" hoặc rơi vào tình huống chi trả chi phí y tế ở mức "thảm họa" là tham gia BHYT. “Việc thực hiện tăng giá dịch vụ y tế đối với người chưa có thẻ BHYT chậm hơn lộ trình nhằm để người dân có thêm một khoảng thời gian cân nhắc thấy được tính nhân văn, lợi ích của BHYT để tham gia” - ông Nguyễn Nam Liên nói.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền, việc điều chỉnh giá viện phí là do Chính phủ quy định theo lộ trình và còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Cụ thể, năm 2018, giá dịch vụ y tế sẽ tính thêm chi phí quản lý, đến năm 2020 sẽ tính thêm khấu hao tài sản cố định. Vì vậy, người bệnh nên tham gia BHYT để bảo đảm an sinh xã hội, tránh rơi vào “bẫy” nghèo đói khi không may bị bệnh.
Theo Thông tư 02/2017/TT-BYT, Bộ Y tế quy định mức giá cụ thể khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến trung ương, còn HĐND tỉnh, thành phố sẽ quy định mức giá đối với dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố. Trước mắt, sẽ có khoảng 50 bệnh viện đầu tiên áp dụng viện phí mới trong tháng 6 này. Khoảng 1.200 bệnh viện còn lại sẽ lần lượt áp dụng mức thu mới, tùy khả năng của địa phương và nhóm muộn nhất là tháng 12-2017 mới thu viện phí mới. Riêng Hà Nội sẽ triển khai thực hiện Thông tư này trong tháng 8-2017. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.